39 năm ngày giải phóng Trường Sa: Đảo ấm tình quân, dân

Hôm nay, tròn đúng 39 năm ngày Giải phóng quần đảo Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2014). 39 năm sau giải phóng, sức sống của quần đảo này ngày càng sinh sôi với những âu tàu, trạm hải đăng, những ngôi trường mọc lên… Đặc biệt, góp phần vào đó không thể không kể đến tình đồng bào, tình đồng đội của các hộ dân, của các chiến sĩ trên đảo.

Một đứa trẻ ra đời, cả đảo cùng chăm

Những ngày này, gia đình chị Phạm Thị Bích Luyện thường xuyên có khách đến thăm. Khách là hàng xóm trên đảo, là người từ đất liền ra. Họ đến để chúc mừng mẹ tròn con vuông, tính đến nay là 20 ngày.

“Đêm đó, khi biết mình chuyển dạ em khóc rất nhiều, lo quá chừng vì sợ sinh cháu thiếu tháng nuôi hổng nổi. Mấy anh bác sĩ, điều dưỡng lo cho mẹ con em rồi động viên ăn uống nhiều cho bé có sữa mẹ. Mấy hôm nay sữa nhiều hơn rồi. Bé cũng không quấy. Vợ chồng em đặt tên bé là Đoàn Phúc Vi Sa. Đoàn là họ cha, Phúc là tên của bác sĩ đỡ đẻ, Vi là họ của bà nội, Sa là Trường Sa. Em muốn cháu lớn lên phải nhớ những tấm chân tình nơi quần đảo thân yêu này. Điều khiến em thấy ấm lòng nhất là tình cảm của bà con hàng xóm dành cho nhà mình” - chị Luyện xúc động kể.

Đó là thứ tình cảm mà người ở đất liền khó cảm nhận hết được. Giữa nơi đảo xa, các hộ dân đối xử với nhau như người một nhà. Những ngày đầu sau khi bé con chào đời, mẹ chưa kịp có sữa, chị Ngọc Trang ở cách đó mấy căn nhà có con được 15 tháng cho bú thép. Chị Trang kể: “Mấy chị em trên đảo chưa nghĩ Luyện nó sinh sớm như vậy, chưa kịp chuẩn bị mua gì thì nó đã chuyển dạ. Đêm đó, em soạn mấy đồ cũ để mang lên trạm xá cho hai mẹ con. Tất cả chị em trên đảo đều thay phiên nhau lên trạm xá phụ giúp. Người thì bế em bé, người pha sữa cho mẹ, người hái đu đủ hầm giò heo, người lo xếp tã, người hơ lửa, người tắm cho mẹ, tắm cho con… Đảo có thêm một đứa con ai cũng thấy mình bận rộn hơn mà lại rất vui chị à”.

Ở đảo Sinh Tồn cũng xôn xao không kém khi nhà chị Thương ở đảo có thêm một cháu bé chào đời, nay được gần tròn tháng. Ngày bé ra đời, chị Loan nhà ở gần đó đến trạm xá thức đêm lo cho hai mẹ con. Các chị em cũng thay phiên nhau đến nhà chăm sóc, cho em bé bú, hơ lửa, tắm mẹ. Để chị Thương rảnh tay lo cho bé mới sinh, cháu đầu của chị được gửi qua nhà chị Loan ăn uống, tắm rửa, ngủ nghê, đến tối lại về nhà ngủ với ba mẹ. Khi thấy tôi ngạc nhiên về tình cảm của bà con nơi đây, chị Loan giải thích: “Đứa nhỏ nào sinh ra ở đây cũng năm cha, bảy mẹ hết chị ơi. Ai cũng coi tụi nó như con của mình vậy thôi à”.

 
Gia đình chị Phạm Thị Bích Luyện vui mừng bé Vi Sa mới ra đời. Ảnh: TM

Chị Tiệm, cán bộ phụ nữ xã đảo chia sẻ: “Ở đảo mới thấm câu nói bà con xa không bằng láng giềng gần. Dù mỗi người mỗi tính nhưng tình cảm bà con ở đây y như anh chị em trong nhà. Đàn ông thì hỗ trợ cho nhau. Nếu đi biển thì đi chung theo từng cụm, cứ ba, bốn hộ đi một cụm. Người nào đánh bắt được nhiều thì chia cho người có ít chứ không có bán chác gì hết. Vợ đẻ, chồng không đi biển được thì mấy hộ khác có con cá ngon nào cũng ưu tiên dành cho. Có quà từ đất liền gửi ra thì các hộ chia nhau dùng. Các hộ trồng rau cho qua cho lại để ăn cho phong phú. Chiều nay, tôi mới ra giàn cắt trái bí to, chia mỗi hộ một ít”.

Ấm tình đồng đội, chắc tay súng

Khi tôi rời đảo Song Tử Tây, một anh sĩ quan tên Tùng nhờ tôi chuyển quà cho người thân: Một ở đảo Sinh Tồn, một ở TP.HCM. Khi quà đến tay người nhận, tôi mới biết quà cho đảo Sinh Tồn là những hộp thịt hộp được gia đình anh Tùng gửi ra từ đất liền, anh muốn chia sẻ với chiến sĩ anh đã từng huấn luyện tại đây. Người nhận quà ở TP.HCM là anh Chu Văn Hải, ở phường 14, quận 4 với hai trái bàng vuông. Anh Hải cảm động kể: Ngày xưa, em là lính được anh Tùng huấn luyện. Anh hiền lắm là hiền luôn, thương tụi em như anh em một nhà vậy.

Trong các đảo tôi đặt chân đến, đảo Len Đao có diện tích nhỏ nhất, có lẽ vì vậy mà con người ở đây quan tâm đến nhau rất đặc biệt. Mỗi khi đảo có một người bệnh, mọi người nghĩ ra món ngon nhất để nấu cho đồng đội ăn, hát những bài hát hay, sôi động nhất để động viên nhau. Khánh, một chiến sĩ ở đây gần hai năm, kể: “Tết vừa rồi là cái tết bất an nhất của em khi gia đình ở Hà Nội gặp nhiều sự cố, ba mẹ em suy sụp. Các anh chỉ huy đọc được nỗi lo của em nên đã gọi điện thoại về nhà nói chuyện với ba mẹ em, cùng tìm cách giải quyết. Cuối cùng thì mọi việc cũng êm xuôi. Lúc thi hành nhiệm vụ thì kỷ luật rất nghiêm nhưng trong sinh hoạt hằng ngày thì tình cảm như một gia đình”. Theo kế hoạch, tháng 7 này, Khánh hoàn thành hai năm nghĩa vụ quân sự nhưng em xin đăng ký được ở lại đảo, em đang hồi hộp chờ sự xét duyệt của cấp trên. “Khi ra đảo thì nhớ nhà, chỉ biết chiều chiều hướng về quê nhà giữa muôn trùng sóng nước. Giờ quen hơi đảo rồi, về chắc sẽ nhớ lắm chị à. Với lại, tay cầm súng của em cũng vững chắc hơn rồi, ở đây em thấy mình có ích hơn” - Khánh tâm sự.

* * *

Tôi vừa đặt chân về đất liền, các ngư dân, chiến sĩ đã gọi điện thoại vào hỏi thăm. Các ngư dân kể rằng mừng ngày giải phóng Trường Sa, bộ đội mang heo, gà đến cho người vài ký rồi cùng giao lưu văn nghệ đón mừng.

Tôi hình dung rõ từng nét mặt cháy nắng đi dưới những lá cờ đỏ sao vàng, dưới những cây phong ba, bão táp mà ước gì được hơn một lần ra đảo để được sống đúng nghĩa hai chữ đồng bào nơi đây.

THANH MẬN

 

Rạng sáng 14-4-1975, lực lượng của Đội 1 đặc công hải quân cùng một bộ phận lực lượng đặc công Quân khu 5 bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây và giải phóng đảo này sau 30 phút chiến đấu. Đến các ngày 25, 27, 28 và 29-4-1975, quân đội ta giải phóng lần lượt các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa và sau đó là giải phóng cả quần đảo Trường Sa.

Sức sống của đảo mãnh liệt vô cùng

Trở lại thăm đảo vào những ngày giữa tháng 4 này, đoàn do ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính Phủ, làm trưởng đoàn đến thăm, động viên quân và dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Đoàn gồm các đại biểu 54 dân tộc anh em, đại biểu của Ủy ban Dân tộc, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Chương trình vì học sinh Trường Sa thân yêu. Dưới đây là cảm nhận của những người vừa ra thăm đảo trở về:

39 năm ngày giải phóng Trường Sa: Đảo ấm tình quân, dân ảnh 2
 
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chúc mừng hai mẹ con chị Luyện mẹ tròn con vuông. Ảnh: THẢO MIÊN

Ông Giàng Seo Phử: Chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt là mang hơi ấm đất liền ra với biển, đảo, đồng thời cộng đồng đến đây để trực tiếp tri ân những người đã nằm xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên 54 dân tộc anh em ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước chính thức ra thăm Trường Sa và thềm lục địa phía nam. Chuyến thăm thể hiện tình cảm của hậu phương rất lớn. 54 dân tộc ở tất cả các tỉnh, thành thay mặt hậu phương, gia đình, quê hương các chiến sĩ để mang tình cảm đất liền đến đảo. Chúng tôi đã gặp những hình ảnh hết sức cảm động về cuộc sống ở Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ đoàn kết, thương yêu nhau. Trong điều kiện giới hạn về không gian, khí hậu, dân quân trên đảo vẫn vừa tăng gia sản xuất vừa góp phần bảo vệ đảo. Những đảo có các công dân mới ra đời là một niềm tự hào, khẳng định sức sinh sôi, nảy nở; khẳng định trình độ y tế, đời sống của quân và dân trên đảo bình thường như trong đất liền. Tôi có hỏi thăm một số hộ dân, họ nói ra đảo sống khá hơn ở đất liền, thậm chí có hộ nói còn khá hơn đi xuất khẩu lao động nữa. Sau gần 40 năm giải phóng, sức sống trên đảo tươi đẹp như thế đó.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Đây là lần thứ hai tôi ra thăm Trường Sa. So với lần thăm đầu tiên vào năm 2010, tôi thấy các đảo đẹp hơn rất nhiều, có thêm nhiều công trình mới chùa, tượng đài, trường học. Tôi nhận ra một điều là sự sống ở Trường Sa dù khắc nghiệt nhưng lại mãnh liệt vô cùng. Bên cạnh những cây xanh già lại có nhiều cây con đâm lộc nảy chồi, nhiều lớp trẻ mới ra đời như lớp người nối tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đến đảo nào cũng thấy màu xanh rất đặc biệt của phong ba, bàng vuông, bão táp… Hội đã tặng đảo bức tranh Hai bà Trưng khởi nghĩa, biểu tượng của tinh thần bất khuất của dân tộc ta.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm