4 người được đề xuất tặng thưởng danh hiệu cao quý "Thẩm phán mẫu mực" năm 2024 là ai?

(PLO)- Danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực” phải được ít nhất 90% cán bộ, công chức, người lao động cùng cơ quan bỏ phiếu đồng ý đề nghị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Tối cao đã ban hành Thông báo số 96a/TB-TANDTC-TĐKT thông báo danh sách các cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước, danh hiệu "Thẩm phán giỏi", "Thẩm phán tiêu biểu", "Thẩm phán mẫu mực" năm 2024.

Theo đó, căn cứ các quy định của pháp luật, căn cứ tờ trình (kèm theo hồ sơ) đề nghị xét, tặng thưởng từ Hội đồng Thi đua - khen thưởng và Thủ trưởng đơn vị cấp cơ sở trực thuộc gửi đến, TAND Tối cao thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao: Các cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước và danh hiệu "Thẩm phán giỏi", "Thẩm phán tiêu biểu", "Thẩm phán mẫu mực" năm 2024 theo quy định.

Có 3 cá nhân và 2 tập thể được đề nghị khen thưởng đột xuất bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, có 29 thẩm phán được đề xuất Thẩm phán giỏi, 13 thẩm phán được đề xuất Thẩm phán tiêu biểu.

Đáng chú ý có 4 thẩm phán được đề xuất Thẩm phán mẫu mực đó là:

1. Ông Tráng A Tếnh (Miền núi), thẩm phán trung cấp, chánh án TAND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La (xét đặc cách);

2. Ông Tạ Văn Tư (Miền núi), thẩm phán trung cấp, chánh án TAND TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (thẩm phán tiêu biểu năm 2020);

3. Bà Hoàng Thị Hải Hường (Miền núi), thẩm phán trung cấp, chánh toà tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh Bắc Giang (xét đặc cách);

4. Bà Mạc Thị Chiên, thẩm phán trung cấp, chánh án TAND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang (thẩm phán tiêu biểu năm 2021).

Tiêu chuẩn danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”

Thẩm phán TAND các cấp ngoài đạt tiêu chuẩn chung phải đạt một trong các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

- Có 1 lần được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” và 1 lần được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” hoặc 3 lần được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”. Đồng thời, có nhiều (sáng kiến cải tiến kỹ thuật, chuyên đề khoa học, giải pháp công tác, kế hoạch làm việc khoa học, áp dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác...) đã được ứng dụng trong TAND và được thủ trưởng cơ quan, đơn vị xác nhận.

- Có 2 lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi” hoặc đã được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”. Sau đó, giải quyết, xét xử liên tục từ 350 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 500 vụ, việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc trung ương) và 450 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác), không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

Thẩm phán TAND các cấp có thể được đặc cách xét, tặng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”, nếu có đủ tiêu chuẩn chung và giải quyết, xét xử từ 900 vụ, việc trở lên (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo); 1.200 vụ, việc trở lên (đối với thành phố trực thuộc trung ương) và 1.100 vụ, việc trở lên (đối với các địa phương khác), không có án quá hạn luật định, không có án (hủy, sửa) do nguyên nhân chủ quan vượt quá 1,5%.

Cạnh đó, danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực” phải được ít nhất 90% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu đề nghị.

(Theo Điều 7 Quy chế xét tặng danh hiệu “thẩm phán giỏi”, “thẩm phán tiêu biểu”, “thẩm phán mẫu mực ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 05/5/2020 của chánh án TAND Tối cao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm