4 trường hợp cán bộ, công chức vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật

(PLO)- Quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức khi vi phạm vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ bốn trường hợp không được áp dụng thời hiệu.

Chính phủ đã ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-9.

Theo đó, nghị định nhấn mạnh việc xử lý kỷ phải bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật.

Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu CBCC-VC có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm.

Đáng chú ý, nghị định nêu rõ khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; thái độ tiếp thu và sửa chữa; việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả.

Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật với 4 trường hợp cán bộ vi phạm
Quy định mới của Chính phủ nêu rõ việc xử lý kỷ phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

CBCC-VC bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có).

Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại nghị định này.

Những trường hợp khác thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với CBCC-VC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.

Trong trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.

Nghị định này cũng nêu rõ không được cử vợ, chồng, cha mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, quyết định xử lý kỷ luật CBCC-VC có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Riêng với những trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Khi đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

Nếu CBCC-VC tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Bốn hành vi vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, nghị định quy định rõ với những hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách thì thời gian là năm năm. Đối với hành vi vi phạm khác thì thời hiệu kỷ luật được quy định là 10 năm.

Tuy nhiên, có bốn trường hợp vi phạm sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Cụ thể, (1) CBCC-VC là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; (2) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; (3) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; (4) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm