4 việc TP.HCM cần chuẩn bị khi được tăng biên chế phường

(PLO)- Rà soát dân cư, lên kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nhân sự… là những việc TP.HCM cần chuẩn bị để khi đề xuất của Bộ Nội vụ được thông qua thì có thể bắt tay ngay vào thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực chất việc quy định số lượng công chức phường là thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương để bảo đảm tính chính xác, phù hợp với điều kiện dân cư, kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, việc Bộ Nội vụ đề xuất áp dụng biên chế phường theo quy mô dân số là một bước đi hợp lý, khoa học. Nếu đề xuất này được thông qua sẽ mang lại nhiều ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là cải cách hành chính trên diện rộng.

Trước tiên, khi biên chế công chức được ấn định theo số dân sẽ bảo đảm được sự công bằng trong gánh vác công việc giữa các công chức phường với nhau, tránh tình trạng cùng là công chức phường, hưởng lương như nhau nhưng người thì quá ít việc, người thì quá tải, áp lực.

Người dân phường Bình Hưng Hoà A ngồi chờ đến lượt làm thủ tục trước bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Người dân phường Bình Hưng Hoà A ngồi chờ đến lượt làm thủ tục trước bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Điều này cũng giúp hạn chế được sự bất mãn, sinh ra tâm lý tiêu cực trong ứng xử hoặc làm việc qua loa, hoặc nghỉ việc ở cán bộ. Vì vậy, hiệu quả công việc ở phường sẽ được đảm bảo, trôi chảy, công việc chạy tốt hơn, phục vụ người dân được tốt hơn; giúp tăng cường, củng cố uy tín của chính quyền TP trong giao dịch với dân.

Kế đến, việc công chức phường được bảo đảm sẽ giúp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên diện rộng. Thời gian qua, do nhân sự không đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nên việc đẩy mạnh cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả, dù cấp cơ sở đã rất tích cực để thực hiện. Chính vì vậy, nếu sắp xếp hợp lý nhân sự cấp xã, phường sẽ giúp công cuộc cải cách hành chính được đẩy nhanh tiến độ và thành công hơn.

Cũng cần thấy việc phân bổ công chức phường theo số dân là bảo đảm đồng bộ với cơ sở của việc tách, nhập đơn vị hành chính phường - một đơn vị lãnh thổ hành chính chứ không phải là lãnh thổ tự nhiên. Từ đó, đảm bảo hài hòa việc tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ phường hợp lý và khoa học, có sự tương thích giữa quy mô dân số - quy mô lãnh thổ - quy mô bộ máy hành chính.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, ĐH Luật TP.HCM.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, ĐH Luật TP.HCM.

Từ trước đến nay, TP.HCM đã có nhiều trăn trở, giải pháp cho câu chuyện công chức phường nhưng khó xoay chuyển do sự cứng nhắc của quy định biên chế cứng. Với đề xuất này, chính quyền đô thị TP.HCM có được một giải pháp ổn thỏa, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền; tập trung nguồn lực cho những đề xuất mới, chủ trương mới trước yêu cầu của mô hình chính quyền đô thị.

Trước yêu cầu của việc hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị hiện nay thì việc Bộ Nội vụ đưa ra đề xuất này cho thấy không chỉ có sự sẻ chia, thấu hiểu, mà còn là một dự báo về những cải cách quy mô hơn, tầm cỡ hơn, bảo đảm khoa học đối với mô hình chính quyền đô thị TP.HCM nói riêng và chính quyền đô thị nói chung. Vì như một lẽ đương nhiên, một cải cách mang tính khoa học này sẽ đòi hỏi, thúc đẩy và dẫn đến một cải cách mang tính khoa học khác nhằm bảo đảm sự đồng bộ và hệ thống.

Với những giá trị mang lại, đề xuất này của Bộ Nội vụ nếu được thông qua thì cần được triển khai thực hiện nhanh chóng, bài bản, hợp lý, tránh lãng phí. Chính quyền TP.HCM cần có những hành động sớm, chuẩn bị những chủ trương, kế hoạch cho quy định này.

Thứ nhất, TP cần chủ động rà soát dân cư, biên chế hiện có ở các phường, sau đó phân bổ, sắp xếp hợp lý số biên chế hiện có bảo đảm phù hợp với tỉ lệ dân số và số công chức phường.

Thứ hai, khẩn trương lên kế hoạch tuyển dụng công chức phường còn thiếu dựa theo số dân ở từng địa bàn.

Thứ ba, cần tổ chức công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân sự phường đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính để tăng hiệu quả của mô hình nhân sự mới, đừng để cái mới ở đây chỉ là mới về số lượng.

Thứ tư, cần có những kế hoạch mới, những đề xuất khác tiếp theo trên cơ sở mô hình nhân sự mới này, kết hợp với những yêu cầu khác xung quanh mô hình chính quyền đô thị hiện nay để bảo đảm sự tương thích, hài hòa, tránh xung đột, mâu thuẫn, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của chính sách mới này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm