Trao đổi với báo chí ngày 30-1, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết năm nay hoạt động cho chữ, xin chữ tại Hồ Văn có sự tham gia của 40 ông đồ.
Các ông đồ sẽ được bố trí xung quanh Hồ Văn phục vụ nhu cầu của du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới.
Ngoài ra, trong thời gian này cũng sẽ diễn ra triển lãm Hiếu học sẽ trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm quanh Hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần khuyến học và truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia tiến sỹ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối, câu nói của các danh nhân…
Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân năm nay, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức để phục vụ khách du Xuân như: Tái hiện không gian thi cử truyền thống, làng sỹ tử; không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, sản phẩm lưu niệm, nét văn hóa ẩm thực ngày Xuân; tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc dân tộc như quan họ, ca trù, chèo, múa rối nước, múa lân sư rồng…
Để đảm bảo cho du khách tới di tích đón xuân trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ…
Hội chữ Xuân sẽ kéo dài đến ngày 19-2 (Mùng Chín tháng Giêng năm Giáp Thìn), mở cửa hàng ngày từ 8g00 đến 22g00.
Năm 2023, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đón khoảng hai triệu lượt khách tham quan, trong đó gần 500.000 học sinh.
Trung tâm tiếp tục bám nắm ba từ khóa là sáng tạo, công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đạt được một số thành tựu về bảo tồn, trưng bày triển lãm, hoạt động nghệ thuật, đón khách tham quan…
Hoạt động trải nghiệm Văn Miếu-Quốc Tử Giám về đêm đã đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn cần cải thiện nhiều.