Mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi 320 triệu đồng cho một chiếc ô tô công (bình quân mỗi xe ngốn 30 triệu đồng/tháng). Khoản tiền này bao gồm lương lái xe, tiền xăng, hao mòn, bảo dưỡng,... Hiện cả nước có khoảng 40.000 ô tô công. Tính ra số tiền ngân sách tốn đến 12.800 tỉ đồng. Thông tin này được Bộ Tài chính cho hay tại buổi họp báo chuyên đề về quản lý, mua sắm tài sản nhà nước chiều 23-10.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết thực tế vẫn còn hiện tượng mua xe công vượt tiêu chuẩn, định mức, việc điều chuyển ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền. Tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị. Việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí. “Việc sử dụng ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn vẫn diễn ra” - ông Thắng nói.
Tới đây, việc quản lý mua sắm, sử dụng xe công sẽ hợp lý hơn. Ảnh: HTD
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 32 với nhiều quy định khắt khe và hợp lý hơn để quản lý việc mua sắm, sử dụng xe công. Theo quy định này sẽ giảm được lượng lớn xe ô tô phục vụ công tác chung. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc. Theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 xe so với hiện tại. Với điều này, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng tiền mua xe thay thế.
Một điểm mới nữa theo Bộ Tài chính là chỉ chức danh có hệ số phụ cấp 1,25 trở lên (tương đương tổng cục trưởng) hay bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND cấp tỉnh mới được dùng xe công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc. Như vậy, các chức danh phó chủ tịch tỉnh, giám đốc sở; bí thư, chủ tịch quận, huyện không được đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Ngoài ra, ông Thắng cũng cho hay việc mua sắm công sẽ được thực hiện tập trung đấu thầu qua mạng. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng mua sắm vượt định mức, dùng đồ xa xỉ. Chẳng hạn như theo quy định các đơn vị mua xe giá 720 triệu đồng nhưng lại mua tới 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, mua sắm tập trung sẽ giảm được biên chế và chống tham nhũng, thay vì hàng chục ngàn đầu mối như hiện nay sẽ còn 170 đầu mối, gồm hai đầu mối trung ương, 42 đầu mối bộ, ngành và 126 đầu mối địa phương.
Theo vị này, khi thực hiện mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung sẽ tiết kiệm được số tiền chiếm đến khoảng 15%/tổng giá trị mua sắm. Hằng năm dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỉ đồng.