5 lĩnh vực phát triển của tỉnh Ninh Thuận

(PLO)- Ninh Thuận sẽ tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, du lịch, công nghiệp chế biến, nông nghiệp chất lượng cao và xây dựng, kinh doanh bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-4, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt

Theo tờ trình, quy hoạch tỉnh bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; phù hợp với các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và phát triển gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của tỉnh.

Ninh Thuận trình HĐND thông qua quy hoạch tỉnh. Ảnh: H.H

Ninh Thuận trình HĐND thông qua quy hoạch tỉnh. Ảnh: H.H

Ninh Thuận sẽ phát huy lợi thế địa lý là cửa ngõ kết nối các vùng Đông Nam bộ, duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Qua đó xây dựng các liên kết phát triển giữa tỉnh với các vùng và địa phương lân cận; tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng trọng điểm theo hướng đồng bộ, kết nối cao, liên thông đa mục tiêu và tăng cường liên kết vùng.

Đồng thời, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế khác biệt về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên như nắng, gió, biển rừng. Đây là các điều kiện để phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, nông nghiệp đặc hữu, kinh tế biển, kinh tế đô thị. Tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Ninh Thuận đặt ra tầm nhìn chiến lược “Ninh Thuận – Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng, thịnh vượng.

Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu trở thành một trong các trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Đến năm 2050, Ninh Thuận sẽ trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng, phát triển đạt mức cao và là một tỉnh xanh, môi trường sống tốt, phát triển bền vững.

Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả giai đoạn 2021-2030 bình quân 10-11%. GRDP đầu người đạt 200 triệu đồng vào năm 2030. Cơ cấu kinh tế tập trung vào công nghiệp – xây dựng chiếm 53-54%, các ngành dịch vụ chiếm 34-35% còn lại là nông nghiệp và thủy sản.

Tập trung vào năm lĩnh vực quan trọng

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Ninh Thuận dựa vào hai động lực phát triển là kinh tế biển và kinh tế đô thị cùng với hạt nhân phát triển là con người.

Năng lượng tái tạo là một trong năm lĩnh vực quan trọng tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển. Ảnh: H.H

Năng lượng tái tạo là một trong năm lĩnh vực quan trọng tỉnh Ninh Thuận tập trung phát triển. Ảnh: H.H

Tỉnh cũng đặt ra bốn khâu đột phá là nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng khung; chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và sản xuất, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực.

Ninh Thuận cũng sẽ tập trung vào năm cụm ngành, lĩnh vực quan trọng. Đó là năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Thời kỳ 2021-2030, Ninh Thuận xác định sơ bộ khoảng 225 dự án ưu tiên với tổng mức đầu khoảng 270.000 - 280.000 tỉ đồng. Đây là các dự án lớn có tính chất quan trọng tạo động lực phát triển.

Cụ thể: Về năng lượng, năng lượng tái tạo sẽ tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên nắng gió để phát triển điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện khí LNG, thủy điện tích năng.

Bên cạnh đó, phát triển năng lượng Hydrogen xanh từ việc sử dụng năng lượng tự tiêu, năng lượng tái tạo tại chỗ hướng đến ngành công nghiệp xanh phù hợp với cam kết COP26 và tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng truyền tải điện.

Về du lịch chất lượng cao, tỉnh phát triển theo hướng “Bền vững – Đẳng cấp – Độc đáo” vừa phát triển du lịch truyền thống vừa tạo dựng các loại hình mới, độc đáo về khí hậu. Từ đó, Ninh Thuận trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao.

Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Ninh Thuận ứng dụng công nghệ cao phục vụ tốt nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp hiện đại, đồng bộ, chất lượng thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời thúc đẩy chuỗi giá trị hàng hóa gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Kinh tế biển là một trong hai động lực phát triển của Ninh Thuận. Ảnh: H.H

Kinh tế biển là một trong hai động lực phát triển của Ninh Thuận. Ảnh: H.H

Về xây dựng và kinh doanh bất động sản, tỉnh xác định đây là ngành kinh tế mạnh có vai trò quan trọng đối với ngành kinh tế trụ cột về năng lượng. Ninh Thuận sẽ ứng dụng công nghệ mới xây dựng các công trình nhà ở, văn phòng cao tầng, các khu du lịch đẳng cấp cao. Từng bước hình thành hệ thống đô thị thông minh, hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Ninh Thuận cũng phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh bất động sản.

Năm 2030, Ninh Thuận có 12 đô thị

Đến năm 2030, tỉnh có 12 đô thị gồm TP Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại 2 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Bốn đô thị loại 4 và bảy đô thị loại 5.

Ninh Thuận cũng tổ chức ba hành lang phát triển gồm: Hành lang phát triển đa dạng dọc theo tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam kết nối với tuyến vành đai TP Phan Rang - Tháp Chàm. Đây là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất và đa dạng nhất về đô thị, công nghiệp, nông nghiệp.

Hành lang ven biển dọc theo dải ven biển phát triển nông nghiệp, năng lượng và cảng biển gắn với Khu dự trữ sinh quyển thế giới vườn quốc gia Núi Chúa.

Cuối cùng là hành lang sinh thái theo trục Đông - Tây thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, năng lượng và du lịch trải nghiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm