5 thư ký, trợ lý cho các lãnh đạo vướng vòng lao lý

(PLO)- Thư ký, trợ lý giúp việc cho các lãnh đạo nhưng nhiều người đã không vượt qua được cám dỗ để rồi vướng vào vòng lao lý.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm qua (14-5), ông Phạm Thái Hà (48 tuổi), nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Cơ quan, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đã bị Ban Bí thư quyết định khai trừ ra khỏi Đảng.

Thực tế, thời gian vừa qua đã có một số trường hợp thư ký, trợ lý của các lãnh đạo cao cấp bị khởi tố, bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật và bị xử lý kỷ luật.

Họ vốn được ví như là những cánh tay đắc lực giúp việc cho các lãnh đạo nhưng nhiều người đã không vượt qua được những cám dỗ về tiền tài, vật chất và rồi lợi dụng chức vụ, ví trí mà mình được trao cho để trục lợi.

1. Trường hợp của ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

ong-pham-thai-ha-tro-ly-chu-tich-quoc-hoi-tung-giu-cac-chuc-vu-quan-trong-nao.jpg
Ông Phạm Thái Hà.

Ông Hà là một trong tám bị can liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan mà Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đang điều tra.

2. Trước đó nữa, ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý Phó Thủ tướng cũng vướng vòng lao lý. Ông Trịnh bị cáo buộc đã chỉ đạo Thư ký bộ trưởng Y tế giúp Việt Á được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kiểm tra, đánh giá chất lượng kit xét nghiệm; can thiệp để sửa văn bản đã ban hành của Bộ Y tế theo hướng có lợi cho Việt Á; tác động để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Việt Á.

Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác định ông Trịnh đã can thiệp, tác động vụ trưởng của Bộ Y tế để Công ty Việt Á được thanh toán 49 tỉ đồng mua kit xét nghiệm bằng nguồn tài trợ của một số ngân hàng cho bộ. Mức giá mà Bộ Y tế thanh toán với Việt Á là 470.000/test và bị xác định là mức giá không có căn cứ.

Số tiền mà ông Trịnh bị cáo buộc nhận hối lộ của Công ty Việt Á là 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỉ đồng).

Theo kết luận của cơ quan điều tra, hành vi của Nguyễn Văn Trịnh đã tạo điều kiện để Công ty Việt Á biến kit xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sản phẩm thương mại thuộc Công ty Việt Á, giúp Công ty Việt Á sản xuất, kinh doanh, thu lời bất chính gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

3. Thư ký Bộ trưởng Y tế Nguyễn Huỳnh nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng. Ông Huỳnh bị cáo buộc đã trung chuyển tiền hối lộ (2,2 triệu USD) cho ông Nguyễn Thanh Long, khi đó là Bộ trưởng Bộ Y tế.

Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Huỳnh theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Long đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm COVID-19; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương trái quy định của pháp luật, không có căn cứ, để Công ty Việt Á tổ chức sản xuất, tiêu thụ test xét nghiệm theo đơn giá đã được ông Phan Quốc Việt nâng khống… từ đó thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại hơn 402 tỉ đồng ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Huỳnh còn gợi ý để Phan Quốc Việt chi một khoản tiền là 2 tỉ đồng nhằm “hỗ trợ” mình trả nợ ngân hàng do mua ô tô.

Những thư ký, trợ lý 'quyền lực' vướng vòng lao lý
Ông Phạm Trung Kiên.

4. Trong vụ “chuyến bay giải cứu” Phạm Trung Kiên – thư ký thứ trưởng Bộ Y tế đã có tới 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên tới 42,6 tỉ đồng.

Theo kết luận điều tra, Phạm Trung Kiên đã gây khó dễ cũng như tạo áp lực để các doanh nghiệp phải chi tiền mới cấp phép cho các chuyến bay combo. Kiên khi đó đã tiếp xúc, yêu cầu, thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp, cá nhân có liên quan về chi phí.

Mức chi phí 50-200 triệu đồng đối với mỗi chuyến bay, 500.000 - 2 triệu đồng mỗi khách đối với chuyến bay combo, 7-15 triệu đồng đối với một khách lẻ tùy từng thời điểm.

Thậm chí cựu thư ký này còn nhũng nhiễu doanh nghiệp tới mức chụp ảnh các quyết định phê duyệt chuyến bay gửi lại các doanh nghiệp và nói thứ trưởng đã ký rồi, phải chi tiền thì mới có dấu.

nguyen-quang-linh.jpeg
Ông Nguyễn Quang Linh.

5. Cũng liên quan vụ “chuyến bay giải cứu”, Nguyễn Quang Linh, trợ lý phó thủ tướng thường trực cũng đã can thiệp để doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay combo.

Cụ thể, thời điểm giữ vai trò là Trợ lý của Phó thủ tướng thường trực, ông Nguyễn Quang Linh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Phó thủ tướng phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức.

Quá trình này, ông đã lợi dụng vị trí công tác giúp Công ty Lữ Hành Việt, Công ty ATA, Investco được phê duyệt nhiều chuyến bay khi chưa có sự thống nhất, đề xuất của Tổ công tác năm Bộ.

Kết quả điều tra xác định, ông Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ của Công ty Lữ Hành Việt và bị can Nguyễn Mai Anh, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, tổng số tiền 180.000 USD và 100 triệu đồng (tương đương trên 4,2 tỉ đồng).

Trợ lý, thư ký có nhiệm vụ, quyền hạn ra sao?

Theo Điều 5, Quy định 30/2021 của Bộ Chính trị, thư ký, trợ lý được giao các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Với trợ lý, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của lãnh đạo. Chủ động nắm tình hình, nghiên cứu, cập nhật thông tin, phân tích, tham mưu, đề xuất những nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo.

Ngoài ra trợ lý còn có nhiệm vụ trực tiếp hoặc phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan tham mưu, chuẩn bị văn bản, bài viết, bài phát biểu… theo yêu cầu của lãnh đạo, cũng như thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của lãnh đạo.

Về quyền hạn, các trợ lý được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ; theo dõi tiến độ thực hiện các công việc được giao.

Được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc; được mời tham dự và phát biểu trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo thuộc phạm vi công việc.

Với thư ký, những người giữ vị trí này có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu một số lĩnh vực theo sự phân công của lãnh đạo. Tham mưu, phối hợp, sắp xếp lịch làm việc của lãnh đạo; tiếp nhận, kịp thời báo cáo, xử lý công văn, tài liệu; kiểm tra văn bản trước khi trình lãnh đạo duyệt, ký ban hành.

Phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để phục vụ, ghi biên bản các cuộc họp do lãnh đạo chủ trì hoặc chuẩn bị chương trình công tác của lãnh đạo. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của lãnh đạo.

Về quyền hạn, thư ký có trách nhiệm tiếp nhận, truyền đạt ý kiến của lãnh đạo đến cơ quan, cá nhân có liên quan. Thư ký còn được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công việc; được phối hợp với cơ quan, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, thư ký còn được mời tham dự các cuộc họp theo sự phân công của lãnh đạo và phát biểu khi cần thiết.

Vẫn theo Quy định 30, các chức vụ lãnh đạo được sử dụng trợ lý hiện này gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội. Số lượng trợ lý 1-4 người tùy theo chức vụ lãnh đạo.

Các chức danh nêu trên cũng được sử dụng thư ký và số lượng không quá hai người.

Với các chức danh ủy viên Trung ương Đảng; bộ trưởng và tương đương; bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, được sử dụng thư ký và số lượng không quá một người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm