Theo tổng hợp của VPF, có đến tám CLB đang chơi ở V-League phản đối hoãn giải đến tháng 2-2022 và yêu cầu các nhà tổ chức cần chọn thời điểm tái xuất thích hợp gần nhất trong năm 2021. Tuy nhiên, con số tám đội bóng phản đối này hoàn toàn lép vế trong tổng số 27 CLB (V-League và hạng Nhất) với một đội đề xuất hủy giải, 11 CLB khác đồng ý với phương án ban đầu của VPF hoãn giải đến tháng 2-2022. Thêm vào đó, bảy đội không có ý kiến và được xem là đồng nghĩa với việc ủng hộ phương án mà VPF đưa ra.
Từ việc tổng hợp ý kiến 27 CLB như trên xem như giải đấu lớn nhất V-League chắc chắn sẽ hoãn thêm từ nay đến tháng 2-2022, sau hơn hai tháng nghỉ vì dịch bệnh COVID-19.
Một nguyên nhân quan trọng khác là thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ chơi các giải quốc tế trải dài sang đầu năm sau. Cụ thể, đội tuyển quốc gia vào đầu mỗi tháng sẽ chơi hai trận ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 (tổng cộng 10 trận tại bảng B) và tháng 12 còn tham dự AFF Cup. Đội tuyển U-23 Việt Nam đá vòng loại U-23 châu Á với các đối thủ dưới cơ Myanmar, Hong Kong và chủ nhà Đài Loan (từ ngày 23 đến 31-10).
Dự kiến đầu tuần này, VPF sẽ thông báo chính thức việc hoãn giải cho 27 CLB chuyên nghiệp, sau khi VFF thông qua phương án tiếp tục tổ chức. Theo đó, V-League tái khởi động vào ngày 12-2-2022 với các trận đấu bù vòng 13 giai đoạn 1; từ ngày 16-2 đến ngày 12-3 thi đấu tách nhóm A tranh chung kết và nhóm B chạy trốn rớt hạng rồi kết thúc giải...
Giải hạng Nhất bóng sẽ lăn sớm hơn vào ngày 20-11 bằng các trận đấu bù vòng 7 lượt đi. Từ ngày 20-12 đến ngày 14-1-2022 thi đấu tách nhóm A, B và kết thúc giai đoạn 2.
V-League kéo dài đến năm 2022 sẽ khiến nhiều CLB kiệt quệ tài chính khi vẫn phải duy trì lương cho cầu thủ suốt hơn nửa năm bóng không lăn.
Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Giải Cúp Quốc gia trở lại ngày 17-1-2022 (vòng 1/8), ngày 8-2-2022 (tứ kết), từ ngày 15 đến 18-3-2022 tổ chức các trận bán kết và chung kết.
Các giải đấu đều tổ chức theo hình thức hiện hành.
Ngoài việc gửi báo cáo VFF xem xét phương án tiếp tục tổ chức mùa giải 2021, Công ty VPF cũng kiến nghị VFF điều chỉnh quy định suất lên - xuống hạng của hai giải V-League và hạng Nhất, cụ thể: Chỉ có một CLB xếp cuối thứ 14 trên bảng xếp hạng V-League xuống hạng, không có trận đấu play off (điều chỉnh chỉ có một suất xuống hạng thay vì 1,5 suất như quy định cũ) và một đội hạng Nhất thăng hạng mùa sau.
Bên cạnh đó, VPF cũng đề xuất điều chỉnh một số quy định pháp lý liên quan đến vấn đề chuyển nhượng, đăng ký cầu thủ nhằm phù hợp với tình hình thực tế khi mùa giải năm 2021 kéo dài đến giữa tháng 3-2022.
Tất nhiên việc kéo dài giải sang năm 2022 sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các CLB liên quan đến những hợp đồng cầu thủ, hợp đồng tài trợ và nhất là quỹ lương của các đội sẽ kéo dài thêm hơn nửa mùa bóng nữa.
Phần thiệt hại đấy đương nhiên các CLB phải gánh chịu và những CLB sống theo kiểu giật gấu vá vai sẽ đứng trước nguy cơ khủng hoảng tài chính.
Khó xử nhất là các cầu thủ khi hợp đồng với các CLB thường kết thúc vào thời điểm quý III của năm nhưng nay sẽ vướng víu rất nhiều thủ tục. Thậm chí là có những cầu thủ ở thì khó mà đi thì không thể nên sẽ phải đứng trước những bài toán khó.
Cái khó cho các CLB là không tìm ra một phương án tốt hơn và cũng thiếu sự đồng thuận dù ai cũng nói để giải kéo dài đến năm 2022 sẽ kiệt quệ tài chính.
Cũng là sự kiệt quệ chung của nhiều CLB trong cơn đại dịch mà không chỉ bóng đá Việt Nam mới mắc phải.