Hậu quả là bệnh tật bám riết và nòi giống bị suy thoái nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến diệt vong...
Người Mã Liềng là một nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt (cùng với các nhóm khác như Mày, Rục, Sách, Arem), hiện nay có khoảng 1.200 người, sinh sống dọc theo biên giới Việt-Lào thuộc địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
“Không lấy nhau thì lấy ai?”
Bà Hồ Thị Nam là đại biểu HĐND huyện Hương Khê, một điển hình sản xuất giỏi của bản Rào Tre. Thế nhưng gia đình bà vẫn không lo đủ cái ăn, hiện vẫn phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp lương thực của Nhà nước. Bà Nam nói rằng mặc dù được bộ đội biên phòng giúp bỏ được nhiều hủ tục nhưng người Mã Liềng vẫn chưa biết tính toán làm ăn, vẫn tin lời kẻ xấu. “Dân bản mình đều thích uống rượu và nghiện rượu. Kẻ xấu ở vùng khác lợi dụng điểm yếu này đã đến gạ gẫm đổi hàng hóa. Từ trâu bò đến gạo, bắp đều bị men rượu “dắt” đi hết”.
Lo nhất là hậu quả nặng nề của hôn nhân cận huyết thống. Ở bản Rào Tre chuyện anh em, cậu cháu lấy nhau là chuyện bình thường. “Trong bản chỉ có vài người đồng lứa, lại là anh em nội tộc, không lấy nhau thì biết lấy ai. Khó quá!” - giọng bà Nam đượm buồn.
Trung tá Dương Thanh Tịnh, tổ trưởng tổ công tác cắm bản Rào Tre (thuộc Đồn biên phòng Bản Giàng) có thâm niên gần 10 năm cắm bản, nói rằng ở đây có nhiều sự thay đổi kỳ diệu nhưng tình trạng hôn nhân cận huyết ngày càng nhiều, chưa lối thoát. Người Mã Liềng nơi đây sống khép kín, ngại giao tiếp với bên ngoài, trai gái đến tuổi lập gia đình lại rơi vào vòng luẩn quẩn là kết hôn với người họ hàng, bởi không còn sự lựa chọn nào khác. “Đã có nhiều trai bản Rào Tre vượt núi đến các bản người Chứt ở Quảng Bình để tìm vợ nhưng họ đều trở về tay không, đành phải lấy con cô, con bác trong nhà rồi sinh con. Những đứa trẻ này lớn lên lại lấy nhau, khổ rứa chứ!”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì trường lớp không có bóng học sinh, anh giải thích: “Ở đây hễ trời mưa là học sinh bỏ học. Trẻ em ở đây yếu lắm, trở trời là ốm đau bởi sức đề kháng yếu”.
Do kết hôn với người cận huyết thống nên Hồ Thị Sâm sinh ra ba đứa con, một bé bị dị tật không có bàn chân trái, còn hai đứa thì chậm lớn. Ảnh: LÊ TUẤN PHONG
Một góc bản Rào Tre - nơi hôn nhân cận huyết phổ biến đang làm nòi giống suy thoái nghiêm trọng. Ảnh: LÊ TUẤN PHONG
Sẽ ra sao, những thế hệ sau này?
Tám năm trước, Hồ Văn Hà vác một bó củi sang trước ngõ nhà người em họ cầu hôn và được chấp nhận. Họ trở thành vợ chồng và liên tiếp sinh ba người con. Thế nhưng đứa con gái thứ hai khi sinh ra đã không có bàn chân; còn đứa con đầu thì chậm lớn, suy dinh dưỡng, người còi cọc. Trung tá Tịnh cho biết vợ chồng Sâm - Hà là con cô - con cậu. Gia đình chị Hồ Thị Thành và anh Hồ Cương thì bất hạnh hơn khi sinh ba người con, hai đứa sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh rồi chết, chỉ nuôi được một đứa nhưng còi cọc, thường xuyên ốm đau. “Bọn mình lớn lên, thấy ưng cái bụng nên lấy nhau, không biết anh em họ lấy nhau thì con cái sẽ bệnh tật” - chị Thanh nói.
Trường hợp hôn nhân cận huyết thống mới đây nhất đã xảy ra với người con ưu tú của bản Rào Tre là Hồ Xuân Kham khiến ai biết chuyện cũng tiếc nuối. Năm 2005, Kham và Hồ Thị Đình Xuân được nhạc sĩ An Thuyên chọn ra học ở Trường ĐH Nghệ thuật quân đội (hệ trung cấp sáu năm). Hồ Xuân Kham học nghề họa sĩ, còn Hồ Thị Đình Xuân học làm ca sĩ. Sau khi kết thúc khóa học, Kham trở về quê tiếp tục học để lấy bằng cấp 3. Tương lai đang rộng mở thì Kham phải lòng người em con ông bác ruột. Hai anh em lén lút ăn ở với nhau rồi có thai và Kham bỏ luôn việc học.
Đại úy-BS cắm bản Nguyễn Giang Nam (Trạm quân dân y kết hợp) bộc bạch rằng do kết hôn cận huyết nên người Mã Liềng ở Rào Tre có sức đề kháng rất yếu, hay ốm đau, nhiều đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, có đứa chết ngay khi vừa sinh, nhiều đứa do bệnh nặng mà chết.
Theo ông Nguyễn Tiến Lành, Chủ tịch UBND xã Hương Liên, việc kết hôn cận huyết thống của người Mã Liềng là nỗi lo rất lớn làm “đau đầu” chính quyền địa phương, bởi người dân đang đối mặt với bệnh tật và suy thoái giống nòi, có nguy cơ dẫn đến diệt vong. Hiện người Mã Liềng có tuổi thọ trung bình thấp dưới 50 tuổi, 100% trẻ bị suy dinh dưỡng, khả năng chống chọi bệnh tật kém với hơn 60% người dân mắc bệnh hen suyễn, người khuyết tật gia tăng, 100% hộ dân sống dưới mức nghèo khổ.
Tìm cách thoát ác mộng
Trung tá Tịnh ví von hôn nhân cận huyết thống của người Mã Liềng ở bản Rào Tre như cơn một ác mộng đeo đẳng bao đời: “Chúng tôi đã làm nhiều cách, tuyên truyền, vận động nhiều lắm rồi mà họ chưa nghe, chưa thông, họ vẫn lấy người trong dòng tộc để rồi nhận nhiều hệ quả đau lòng”.
Chứng kiến hôn nhân cận huyết đang tàn phá giống nòi ở Rào Tre, anh Tịnh nhiều năm nghiền ngẫm để tháo “vòng kim cô” cho người Mã Liềng. Anh tâm sự cuộc chiến chống hôn nhân cận huyết cũng giống như việc “sửa” tính cách người Mã Liềng, phải mất rất nhiều thời gian, nhiều lúc nản lắm nhưng vì thương đồng bào khốn khổ nên gắng mà vượt qua. “Việc cấp thiết nhất phải làm là mở con đường từ bản Rào Tre vào bản người Chứt ở Quảng Bình dài khoảng 15 km. Tiếp đó, chính quyền cần tổ chức giao lưu văn hóa giữa người Chứt hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vào dịp lễ tết, tạo cơ hội để trai gái các bản giao lưu, hội nhập, hy vọng tình yêu nảy nở, đồng thời thiết lập đường dây nóng giữa hai địa phương cấp huyện-xã có đồng bào Chứt sinh sống để kịp thời tương trợ nhau. Phải sớm xây dựng sơ đồ tộc hệ để dễ quản lý, kịp thời phát hiện ngăn chặn hôn nhân cận huyết thống” - anh Tịnh nói.
Mới đây, Trường ĐH Y Hà Nội đã thực hiện nghiên cứu về nhân trắc học đối với 34 hộ gia đình người Mã Liềng ở bản Rào Tre. Kết quả khảo sát và đánh giá bước đầu cho thấy nguy cơ suy thoái giống nòi người Mã Liềng ngày càng lớn bởi hôn nhân cận huyết thống. Người dân ở đây vẫn có thói quen có gì ăn nấy, chất lượng cuộc sống thấp, chiều cao và cân nặng kém hơn rất nhiều so với mức trung bình người Việt Nam, nhiều bệnh tật và dị tật bẩm sinh, tỉ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng rất cao, tuổi thọ bình quân thấp… Và tất cả đều do căn nguyên hôn nhân cận huyết.
Trưởng bản Hồ Thị Nam lo lắng cho đồng bào ở bản Rào Tre cứ sống biệt lập với thói nghĩ như hiện nay thì tình trạng kết hôn cận huyết thống cứ kéo dài mãi. Và người Mã Liềng sẽ đi đến suy tàn.
Hơn 39 tỉ đồng “giải cứu” người Mã Liềng Trước những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của tộc người Chứt, tháng 9-2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt “Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đến năm 2020” với số vốn đầu tư hơn 39 tỉ đồng. Đề án nhằm giúp dân bản phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tiến tới chấm dứt hôn nhân cận huyết thống, đảm bảo an toàn nòi giống. Theo đề án, sẽ di chuyển 1/2 số dân bản Rào Tre đến định cư tại khu vực đồng Leo Veo, cách nơi ở cũ khoảng 2,5 km, giao 80 ha đất rừng cho người dân canh tác; xây dựng nhà ở, trường học, đường giao thông, hệ thống cấp nước sinh hoạt, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng… Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có đề xuất lãnh đạo tỉnh này xem xét, trình Chính phủ đầu tư mở tuyến đường 15 km nối bản Rào Tre với bản người Chứt ở Quảng Bình nhằm “giải cứu” đồng bào dân tộc Chứt khỏi hôn nhân cận huyết thống đang làm nòi giống bị suy thoái nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn đến diệt vong… |