Ác mộng giá dầu

Ngày đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) diễn ra trong sự nặng nề. Dù mục đích đề ra của hội nghị kéo dài ba ngày lần này là “cải thiện tình hình thế giới”, gần như toàn bộ vấn đề được những thành viên tham dự diễn đàn thảo luận đều toát lên vẻ bi quan. Các tin tức về thị trường chào đón các nhà lãnh đạo ưu tú của kinh tế và chính trị thế giới đều ảm đạm.

Tương lai ảm đạm

Thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh suốt cả ngày. Các CEO thế giới cau mày nhìn chằm chằm vào điện thoại, ngạc nhiên nhìn các chỉ số chứng khoán rơi thảm hại. Trên sân khấu, ông Raghuram Rajan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, phát biểu: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chúng ta không hề biết giá trị căn bản của tài sản”. Một giám đốc dịch vụ tài chính cũng thừa nhận: “Chúng ta đang sống trong một lãnh thổ hoàn toàn chưa được thăm dò. Mọi thứ đều tràn ngập sự không chắc chắn”. Bà Mary Erdoes, người nắm giữ 2,5 ngàn tỉ USD tài sản trong JP Morgan Asset Management, lưu ý rằng trong một cuộc khảo sát gần đây của các nhà đầu tư lớn về ý tưởng kinh doanh tốt nhất là mua cổ phiếu của các thị trường mới nổi.

Các lãnh đạo kinh tế và chính trị thế giới liên tiếp phải đưa ra bàn luận các vấn đề chẳng mấy tốt đẹp về tương lai thế giới, từ mức tăng trưởng thấp của Trung Quốc và toàn cầu, tương lai của châu Âu, đến giá dầu tuột dốc thảm hại và một cuộc khủng hoảng tài chính khác đang nhen nhóm đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Tờ The Atlantic dẫn lại kết quả khảo sát của hãng PwC, chỉ có vỏn vẹn 27% những CEO tham gia vào hội nghị Davos lần này cảm thấy lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Những thông tin ảm đạm và bi quan từ hội nghị Davos cũng đồng loạt tác động mạnh đến tình hình chứng khoán thế giới. Nỗi sợ hãi về một cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai, thậm chí còn kinh khủng hơn năm 2008 đã làm thị trường chứng khoán nhiều nước dậy sóng. Tại thị trường chứng khoán New York, chỉ số Dow ngày 20-1 giảm đến 500 điểm. Những nhà đầu tư tại sàn chứng khoán London FTSE 100 lao vào bán tháo trong hoảng loạn, đặc biệt là các công ty khai thác khoáng sản và dầu mỏ vốn đang bị “dồn vào chân tường”. Các sàn chứng khoán tại Nga, Brazil và Saudi Arabia cũng không khá hơn là mấy.

Trả lời tờ Wall Street Journal, CEO của Tập đoàn AT&T Randall Stephenson dự đoán mức tăng trưởng năm 2016 của nước Mỹ cũng sẽ không vượt quá 2%. Còn trước thông tin sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc có khả năng làm guồng máy kinh tế toàn cầu “trật bánh” khỏi con đường hồi phục, giá kim loại trên thị trường thế giới cũng giảm mạnh. William White, một nhà kinh tế học và là chủ tịch ủy ban rà soát của OECD - tổ chức các nền kinh tế phát triển của thế giới, đánh giá các ngân hàng trung ương giờ đây đã “dùng sạch hết đạn dược” và không còn khả năng chống trả một cơn khủng hoảng tài chính thứ hai. Ông đánh giá: “Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn năm 2007. Các khoản nợ đang tiếp tục tăng lên trong suốt tám năm qua. Chúng đã đạt đến mức độ đủ khả năng gây rối loạn ở mọi ngóc ngách trên thế giới”.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế học có mặt tại diễn đàn Davos lại cho rằng rủi ro nền kinh tế toàn cầu rơi trở lại vòng xoáy suy thoái là rất thấp.

Chỉ số Dow trên sàn chứng khoán New York rơi gần 500 điểm vào ngày 20-1. Ảnh: AP

Các thành viên tham dự diễn đàn Davos chăm chăm theo dõi tình hình chứng khoán. Ảnh: REUTERS

Không khí ảm đạm bao trùm Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Ảnh: AFP

Giá dầu chịu nhiều sức ép

Trong ngày đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, giám đốc điều hành của các hãng dầu mỏ, các nhà hoạch định chính sách và các ngân hàng đều cho rằng trong năm 2016 này, sự hồi phục giá dầu rất khó dự đoán khi mà các nhà sản xuất lớn vẫn tiếp tục bơm dầu ra thị trường, cũng sự thèm khát nhiên liệu của Trung Quốc bị suy giảm mạnh. Cơn khát dầu của Trung Quốc - “công xưởng của thế giới” từng ngỡ là không có hồi kết nay bỗng chững lại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2015 chỉ đạt 6,9%, ngưỡng thấp nhất trong suốt 25 năm qua. Các lãnh đạo tham dự diễn đàn cũng bày tỏ lo ngại về việc giá dầu có thể tăng cao bất ngờ khi quốc gia dầu mỏ Iran được dỡ bỏ lệnh trừng phạt và gia nhập lại thị trường thế giới.

“Đây là năm thứ ba liên tiếp chúng tôi cung cấp dầu thô nhiều hơn so với nhu cầu” - ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg cho biết. “Giá dầu vẫn sẽ chịu nhiều sức ép. Tôi không thấy bất kỳ lý do nào khiến dầu tăng giá bất ngờ trong năm 2016 này”. “Mọi thứ sẽ càng tồi tệ hơn nếu thị trường năng lượng không vượt qua được cú sốc nguồn cung lần này” - ông Tony Hayward, Chủ tịch Tập đoàn Glencore Plc, một trong những doanh nghiệp dầu mỏ lớn nhất thế giới cho biết. Trả lời kênh Bloomberg bên lề Diễn đàn Davos, ông giải thích lý do của việc giá dầu tuột dốc không phanh: “Rất đơn giản, thị trường đang có quá nhiều dầu”.

Lệnh trừng phạt hạt nhân đối với Iran kết thúc vào ngày 16-1 đã giải phóng nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Chính quyền Tehran nôn nóng hồi phục sản lượng dầu thô xuất khẩu vốn đã bị giảm một nửa trong bốn năm cấm vận. Để bù đắp lại doanh thu đã mất của quốc gia từng một thời đứng thứ hai thế giới về sản lượng dầu thô, Iran đã lập tức đề xuất khôi phục sản lượng 500.000 thùng dầu/ngày càng sớm càng tốt.

“Theo quan điểm của tôi, việc dỡ bỏ cấm vận Iran sẽ chỉ làm tăng thêm nguồn cung dầu. Vì thế, tôi không thấy được giá dầu sẽ chạm đáy tới mức nào hay động thái tái cấu trúc nào trong thời gian tới” - ông Axel Weber, Chủ tịch UBS Group AG, nhận xét. Giá dầu giảm mạnh mang đến cơ hội cho các đối thủ của Iran, như lãnh đạo OPEC - Saudi Arabia, tiếp tục bơm dầu ra thị trường.

Theo dự đoán của ông Fatih Birol, việc cắt giảm vốn đầu tư chưa từng thấy (16% so với 20% vào năm ngoái) sẽ tạo cơ hội để giá dầu hồi phục, tuy nhiên viễn cảnh tươi sáng hơn này sẽ chỉ xảy ra vào năm 2017. Theo Crescent Petroleum Co, việc cắt giảm ngân sách quy mô lớn là một canh bạc nguy hiểm, khiến sự hồi phục trong tương lai trở nên khó khăn hơn. Theo ông Yousef Al-Benyan, Giám đốc điều hành Saudi Basic Industries Corp, việc phục hồi giá dầu có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2017, khi nền kinh tế của Trung Quốc cải thiện mức tăng trưởng. “Có rất nhiều áp lực từ phía nguồn cung dầu ngăn cản sự phục hồi giá dầu trong lúc này” - ông Al-Benyan nói - “Nửa cuối năm 2017 sẽ là thời điểm phục hồi”.

Tuy nhiên, theo ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch Tập đoàn tư vấn công nghiệp IHS Inc, giá dầu thô sẽ không thể trở lại thời kỳ hoàng kim được nữa. Giá dầu có thể ở mức “cao hơn so với hiện nay” vào nửa cuối năm 2016 nhưng “không phải là 100 USD, không phải 70 USD, cũng không phải 60 USD”. Ông Majid Jafar dự đoán giá đầu thô cao nhất chỉ đạt được đến 50 USD. Mức giá này bằng một nửa giá dầu cách đây 18 tháng.

Sự lạc quan của người trẻ

Tân Thủ tướng trẻ tuổi của Canada - ông Justin Trudeau xuất hiện như một điểm sáng ở Davos ngày đầu tiên. Vị thủ tướng trẻ tuổi nhất lịch sử Canada, nhậm chức khi chỉ mới 44 tuổi, đã đưa ra thông điệp lạc quan về tương lai nền kinh tế thế giới khiến đám đông bên dưới tạm thời yên ổn. Sự lạc quan và nhiệt tình không ngừng của lãnh đạo Canada dường như đối lập hoàn toàn với tâm trạng đang có của các vị lãnh đạo khác trong ngày đầu tiên ở Thụy Sĩ. “Tôi đặt niềm tin vào sự lãnh đạo tích cực và đầy tham vọng” - ông Justin Trudeau nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm