Kênh truyền hình Mỹ CNBC ghi nhận trong bối cảnh giá dầu giảm đến mức thấp nhất trong một thập niên qua, đồng rúp tụt giá và các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu tiếp tục gieo “tang tóc” cho một số lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của Nga, giọng điệu của Tổng thống Putin đang mang tính hòa giải hơn với phương Tây.
Trong một loạt phỏng vấn của tạp chí Bild(Đức) mới đây, chủ nhân Điện Kremlin cho biết ông muốn nhìn thấy Nga tham gia trở lại các cuộc họp của G-8. Ông bày tỏ hy vọng Nga và NATO hợp tác lớn hơn và xây dựng lại quan hệ với châu Âu cùng với Nhật. Chủ tịch tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group Ian Bremmer nhận định Nga không muốn dựa quá nhiều vào Trung Quốc vốn sẽ mặc cả gắt gao với Nga về nhiều vấn đề đang chiếm ưu thế.
Đài phát thanh DW (Đức) dẫn lời chuyên gia Alexey Malashenko tại văn phòng Moscow của tổ chức Carnegie Foundation nhận định: “Ông Putin bắt đầu nhận ra kinh tế Nga đang trong tình hình thê thảm”. Ông Putin thừa nhận giá dầu tuột dốc đã dẫn đến “thiệt hại nguy hiểm về thu nhập” vì xuất khẩu khí đốt là đầu tàu kinh tế Nga.
GS Robert Legvold tại ĐH Columbia (Mỹ) nhận định thay vì chấp nhận yêu cầu của phương Tây về Ukraine, Syria và những nơi khác, giải pháp đầu tiên của Tổng thống Putin khi xử lý giá dầu ở mức 32 USD/thùng là cắt giảm chi tiêu nội địa với kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng tích cực trở lại.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tài sản dự trữ chính thức của Nga vào khoảng 365 tỉ USD tính đến tháng 11-2015. Con số này bao gồm hai quỹ đầu tư quốc gia với khoảng 75 tỉ USD vào đầu năm ngoái và Nga đã tiêu phí phân nửa số đó nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách và quản lý hối suất đồng rúp.
Chuyên gia Alexey Malashenko nhận xét: “Tình hình nguy hiểm cho ổn định trong nước Nga. Đó là lý do ông Putin đang tìm cách đối thoại với phương Tây, như cuộc phỏng vấn với hai nhà báo tạp chí Bild đã chứng minh”. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy kinh tế Nga sắp sụp đổ. Chủ tịch Ian Bremmer ghi nhận: “Có cởi mở hơn trong đối thoại, đặc biệt về Syria… nhưng ông Putin không bất ngờ trở thành kẻ bị trói tay vì giá dầu tụt giảm”.
Ông Matthew Rojansky, Giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Wilson (Mỹ), cho rằng dù người Nga đang cảm nhận kinh tế suy giảm nhưng mức độ ủng hộ của họ đối với ông Putin không giảm sút, thậm chí có thể hậu thuẫn cho một lập trường cứng rắn hơn đối với các đối thủ bên ngoài.