Cụ thể, ở tổ hợp khách sạn và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà 42 tầng nổi tại Đà Nẵng, lý ra thi công chỗ để xe, nhà trẻ, hồ bơi… ở bốn tầng (từ tầng hai đến tầng năm) theo thiết kế đã được phê duyệt, chủ đầu tư điềm nhiên chuyển đổi thành 104 căn hộ để bán.
Đáng nói là số căn hộ trái phép trên đang được xem xét cho hợp thức hóa. Thông tin từ báo chí cho biết có khả năng UBND TP Đà Nẵng sẽ cho phép Mường Thanh điều chỉnh dự án nếu họ trúng đấu giá miếng đất gần đó để dời các công trình phục vụ cộng đồng theo lẽ nằm trong tòa nhà ra bên ngoài… “Ân xá” này không phải lần đầu Mường Thanh được hưởng.
Trước đây, Mường Thanh từng “qua phà ngon ơ” dù thản nhiên thi công không phép cả nửa năm trời một khách sạn cao cấp ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tại Bình Thuận, Mường Thanh cũng đã được điều chỉnh giấy phép xây dựng để được bảo toàn một công trình xây lố tầng ở Mũi Né. Hay như ở Khánh Hòa, một công trình của Mường Thanh xây vượt ba tầng so với quy hoạch của Chính phủ (tối đa là 40 tầng) vẫn còn nguyên...
Có vẻ như nếu nhiều doanh nghiệp kỳ công giữ gìn thương hiệu thông qua nỗ lực không làm nhiều cái sai thì Mường Thanh làm ngược lại. Tập đoàn này liên tiếp có chuỗi hành vi gây mất tin cậy về sự tuân thủ pháp luật. Nếu không là xây dựng không phép thì là sai phép. Nếu không xây lố tầng thì là tự ý hoán đổi công năng.
Không chỉ tự bêu xấu mình, Mường Thanh còn gieo tai tiếng cho chính quyền các tỉnh, thành có công trình sai phạm của họ.
Theo pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm xây dựng, khi xây dựng không phép, sai phép, sai thiết kế, chủ đầu tư sẽ bị buộc ngừng thi công, bị yêu cầu tự tháo dỡ và nếu không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích vi phạm. Quy định này được áp dụng chung cho tất cả đối tượng nên nhiều nhà dân vì xây dựng trái phép đã bị lực lượng chức năng cưỡng chế đập bỏ bằng được.
Song với Mường Thanh thì các nơi đã và đang đối xử rất khác! Các đơn cử nêu ở phần trên cho thấy không cơ quan nào chịu “rút kiếm” dù Mường Thanh nhiều lần bất chấp lệnh đình chỉ thi công để có cơ hội được châm chước và được công nhận do việc đã rồi.
Vì sao chính quyền một số địa phương không xử được “tội” của Mường Thanh để tập đoàn này biết sợ mà không vi phạm hoặc không tái phạm? Rồi lạ nữa là những cơ quan cấp cao hơn sao không “sờ gáy” các địa phương “non kém” này? Chẳng lẽ nên nghĩ là thứ gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền như ai đó từng nói?
Vì quá bức xúc mà nhiều người muốn người có “bề thế” của Mường Thanh bị xử lý hình sự. Đã có ý kiến có thể “bỏ tù” Mường Thanh về “tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, xem lại thì đối tượng bị xử lý tội này phải có vi phạm về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công... gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
Chắc chắn các công trình trái phép của Mường Thanh đã làm đảo lộn trật tự xây dựng, tạo ra thói quen xem thường kỷ cương phép nước, mang lại những món lợi rất lớn cho chủ đầu tư... nhưng chúng không thuộc trường hợp phạm tội trên.
Rốt cuộc thì những ai “chống lưng” cho Mường Thanh để chuỗi sai phạm của tập đoàn được hóa giải trơn tru? Một khi vi phạm to đùng đã và đang được chính quyền nhiều nơi dung túng thì mọi người còn phẫn nộ, còn chờ công lý được thực thi.