Ngày 24-4, tại buổi làm việc với Hà Tĩnh về vụ cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo: “Bộ TN&MT tiếp tục chủ trì khẩn trương làm rõ nguyên nhân cá chết. Kết quả phải xác định rõ nếu do các cá nhân, doanh nghiệp gây ra thì phải xử nghiêm, không loại trừ bất kỳ trường hợp nào”.
“Xác định độc tố rất khó”
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, nguyên nhân cá chết đã loại trừ do dịch bệnh. Các yếu tố môi trường nước liên quan đến vùng nuôi qua xét nghiệm cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép, trừ ba mẫu ở Thừa Thiên-Huế nhưng mang tính cục bộ. Như vậy, nguyên nhân nằm ở các độc tố sinh học hoặc hóa học hoặc cả hai. “Hiện các đoàn của Bộ đã lấy mẫu gửi xét nghiệm xem có độc tố sinh học không. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ chuyển Bộ TN&MT công bố” - ông Tám nói.
Phó Thủ tướng Dũng chất vấn: “Chất thải độc hại nếu xác định được có người cố ý nhưng làm thế nào xác định được trong nước biển có độc tố liên quan đến đơn vị cụ thể nào hay có kẻ phá hoại. Vấn đề này Bộ TN&MT làm được không hay phải thuê chuyên gia nước ngoài? Ngoài ra, việc quan trắc của các nhà máy, cơ sở sản xuất ở bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Huế đã đầy đủ, chính xác chưa?”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ hai từ phải sang) thăm hỏi tình hình, động viên các hộ dân ở xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: NG.THANH
Theo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, bộ này đã làm việc với các chuyên gia để xác định độc tố (hóa học) trên biển. Nhưng do khu vực ảnh hưởng đến bốn tỉnh nên việc xác định rất khó. “Chiều 25-4, chúng tôi có cuộc họp với các chuyên gia chuyên sâu để khẳng định có xác định được rõ hay không. Nếu không xác định được, Bộ sẽ phối hợp mạng lưới môi trường biển quốc tế để tìm nguyên nhân. Còn về hệ thống quan trắc, mỗi tỉnh có một trạm nhưng để xác định hết thì thực sự rất khó” - ông Nhân trần tình.
Xử lý nghiêm vi phạm, không trừ ai
Trước đó, Formosa đề nghị được xây đường ống làm mát và xả thải ra vịnh Sơn Dương. Đường ống rộng 1,2 m, dài 1,3 km và sâu dưới mặt biển 12 m.
Theo ông Nhân, năm 2014, Bộ TN&MT cho phép Formosa xây dựng và sử dụng đường ống xả thải ngầm này. Nguồn nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam được xả qua hệ thống đường ống này.
Tuy vậy, nhiều người đặt vấn đề đường ống ngầm khổng lồ này đã xả độc tố cực mạnh gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. “Việc xả nước thải đã được xử lý ra biển là bình thường. Cả nước có nhiều đường ống xả thải ngầm ra biển chứ không phải một nhà máy Formosa. Bộ TN&MT đang tích cực xác định rõ nguyên nhân và trong khoảng một tuần tới có kết luận nguyên nhân cá chết hàng loạt để người dân an tâm có thể nuôi cá trở lại và tiêu thụ cá bình thường” - ông Nhân cam kết.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận việc cá chết bất thường diện rộng gây ra sự bất ổn trong sản xuất, nuôi trồng và khai thác của ngư dân. Đặc biệt gây tâm lý hoang mang cho người dân trong việc tiếp tục sản xuất và sử dụng sản phẩm hải sản. “Đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng bất thường trên diện rộng nên việc xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả của các cơ quan chuyên môn rất bị động, lúng túng. Tuy vậy, Thủ tướng đã yêu cầu sớm làm rõ nguyên nhân. Ai vi phạm, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng như trên cũng phải xử lý nghiêm theo quy định, không loại trừ một ai hết” -Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát dọc bờ biển xã Kỳ Hà (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nơi cá chết dạt vào. Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác lên thuyền đến thăm hỏi, động viên các ngư dân. Ngư dân Nguyễn Khắc Bắc kể với Phó Thủ tướng: “24 giờ ngày 6-4, tôi thấy cá nuôi bình thường nhưng sau đó, khi thủy triều lên thì cá bắt đầu nổi lên mặt nước. Đến sáng hôm sau (7-4), cá trong lồng nuôi của gia đình tôi chết sạch, thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Gia đình tôi vay ngân hàng nuôi cá và giờ đang gặp nhiều khó khăn”. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ NN&PTNT hướng dẫn các địa phương sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Theo thống kê, từ ngày 6 đến 15-4, thị xã Kỳ Anh vớt được khoảng 10 tấn cá biển chết trôi vào bờ. Từ ngày xảy ra hiện tượng bất thường này, hơn 2.000 ngư dân/564 tàu thuyền phải ở nhà. Ngư dân không đi vì không bán được cá. Theo Bộ NN&PTNT, theo thống kê chưa đầy đủ, tổng lượng cá tự nhiên chết dạt vào bờ ở bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế là 30-50 tấn. |