‘Alô, Trạm cấp cứu vệ tinh 115 nghe đây!’

Trạm cấp cứu vệ tinh 115 của BV đa khoa Sài Gòn đi vào hoạt động đầu tháng 8 nhưng đã tiếp nhận và cấp cứu nhiều ca cho du khách trong nước và quốc tế đang du lịch ở TP.HCM. Đây là mô hình mới của ngành y tế TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu của hội nhập và phát triển du lịch ở TP này.

Đau bụng cấp, gọi gấp trạm cấp cứu vệ tinh

Mới đây, nhận được tin báo một khách du lịch người Đức bất cẩn té ngã kèm hội chứng rối loạn tiền đình, chưa đầy 10 phút sau, xe cứu thương cùng bác sĩ, điều dưỡng của Trạm cấp cứu vệ tinh 115 của BV đa khoa Sài Gòn đã có mặt. Sau khi sơ cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy theo dõi tiếp. Trước đó, một Việt kiều khi vừa về đến khách sạn ở TP.HCM đã lên cơn khó thở, tím tái. Trạm cấp cứu nhanh chóng có mặt đưa về BV sơ cứu ban đầu, sau đó đưa đến BV chuyên khoa chữa trị.

Một lần khác, trạm cấp cứu vệ tinh tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nam là người Hà Nội vào TP.HCM du lịch, sau bữa tiệc thịnh soạn bỗng nhiên lên cơn đau bụng cấp vào giữa khuya. Các bác sĩ, điều dưỡng đã nhanh chóng sơ cứu, xét nghiệm và thấy mỡ máu bệnh nhân tăng rất nặng, chẩn đoán viêm tụy cấp. Bệnh nhân đã khỏe sau một tuần điều trị và xuất viện về lại Hà Nội.

Ngoài ra, không ít trường hợp du khách lần đầu đến Việt Nam không quen thức ăn lạ và thời tiết ở đây nên dẫn đến ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi hay hy hữu hơn là quá chén dẫn đến ngộ độc rượu đều được trạm cấp cứu sơ cứu kịp thời.

BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, đang thăm khám cho một bệnh nhân nước ngoài tại Trạm cấp cứu vệ tinh 115.

Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại BV đa khoa Sài Gòn sẵn sàng ứng cứu du khách 24/24 giờ. Ảnh: H.LAN

Bác sĩ kiêm… phiên dịch

BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, cho biết từ khi thành lập đến nay (tháng 8-2017), trạm cấp cứu đặt tại BV đã cấp cứu cho hàng chục khách du lịch gặp vấn đề sức khỏe hay tai nạn giao thông khi đến TP.HCM du lịch. Hiện trạm có hai xe cứu thương, mỗi kíp trực cấp cứu có một bác sĩ, hai điều dưỡng có trình độ ngoại ngữ, túc trực 24/24 giờ. Khi có cuộc gọi, trạm sẽ điều xe đến và sơ cứu ban đầu tại chỗ trước khi đưa về BV.

Nếu bệnh nhẹ, BV đa khoa Sài Gòn sẽ trực tiếp điều trị, còn nặng thì chuyển bệnh nhân lên các BV tuyến trên như BV Nhân dân 115, Chợ Rẫy, BV ĐH Y Dược TP.HCM. BS Vui thông tin sắp tới TP sẽ đầu tư cho BV sửa sang lại cơ sở vật chất và vay vốn kích cầu để mua sắm thêm trang thiết bị y tế hiện đại. “Hiện BV mới chỉ tiếp nhận cấp cứu, sơ cứu ban đầu, khám các loại bệnh thông thường. BV đang cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn cũng như ngoại ngữ cho đội ngũ cấp cứu, xin cấp phép điều trị nội trú cho người nước ngoài, hy vọng sẽ phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân cũng như du khách” - BS Vui cho hay.

Là người phiên dịch cho người nước ngoài tại BV và thường xuyên hỗ trợ du khách ở trạm cấp cứu 115, ThS-BS Trần Bích Ngân chia sẻ: “Bệnh nhân người nước ngoài thường rất kỹ tính. Họ muốn biết mọi ngọn nguồn về bệnh, cơ chế gây ra bệnh, thích được hướng dẫn cách chăm sóc ở nhà. Điều này đòi hỏi bác sĩ phiên dịch phải trang bị đầy đủ kiến thức để giải thích cho bệnh nhân hiểu và an tâm điều trị. Ngoài ra, có nhiều trường hợp cần thanh toán bảo hiểm nên phải dịch giấy tờ thuốc men cho họ về nước thanh toán lại”.

Phủ sóng trạm cấp cứu vệ tinh cả TP

Trong thời gian qua, Sở Y tế đã triển khai mạng lưới cấp cứu ngoài BV với 25 trạm cấp cứu vệ tinh 115 phủ khắp địa bàn TP, từ trung tâm của quận 1 cho đến các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ... Mạng lưới cấp cứu này nhằm kịp thời việc sơ cấp cứu cho người dân và khách du lịch khi có vấn đề về sức khỏe.

Trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn TP không chỉ phục vụ người dân mà còn phục vụ khách du lịch không may xảy ra bệnh lý hoặc tai nạn. Chẳng hạn du khách đang đi Củ Chi gặp nạn thì có trạm cấp cứu Củ Chi sẽ ứng cứu ngay.

Tương tự, sở dĩ BV đa khoa Sài Gòn được chọn làm trạm cấp cứu vệ tinh ở quận 1 bởi BV này từng có gần 15 năm là Trung tâm cấp cứu của TP được nhiều người dân biết đến (nay đã chuyển về Trung tâm Cấp cứu 115). Ngoài ra, nơi đây tập trung đông đúc du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, thường xuyên diễn ra các lễ hội, sự kiện công cộng tập trung đông đảo du khách.

“Về lâu về dài, Sở Y tế TP sẽ tiếp tục định hướng cho các trạm cấp cứu hoàn thiện chuyên môn, phương tiện kỹ thuật và nghiên cứu triển khai phương tiện cấp cứu phù hợp ở nơi trung tâm, mật độ dân cư tập trung đông đúc. Có những lễ hội tập trung hàng ngàn người, xe cứu thương không thể tiếp cận chuyển thương thì sẽ có xe máy, xe đạp cứu thương hỗ trợ, đảm bảo phục vụ 24/24 giờ và các dịp lễ, Tết. Khi loại hình du lịch trên sông phát triển thì nếu được đầu tư, Sở Y tế TP cũng sẽ đề xuất nên có loại hình cứu thương cả trên sông” - PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

TP.HCM phát triển du lịch y tế

Lượng khách nước ngoài đến du lịch và làm việc, lưu trú tại TP.HCM ngày càng tăng. TP.HCM có chủ trương phát triển du lịch y tế trong năm 2017, đồng thời đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, ngoài phục vụ du khách, công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho du khách là rất quan trọng.

Ngoài ra, Sở Du lịch và Sở Y tế đã chính thức ký kết bản ghi nhớ về chương trình hành động giữa hai Sở trong triển khai sản phẩm du lịch y tế. Trên cơ sở đó, quy chế phối hợp và thành lập tổ công tác liên ngành y tế và du lịch đã chính thức được thông qua. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm 2017 sẽ ra mắt sản phẩm “Sổ tay du lịch y tế” dành cho khách du lịch khi đến tham quan tại TP.HCM để họ dễ dàng nắm bắt các thông tin cần thiết khi có nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách du lịch, Sở Y tế đã xây dựng các tiêu chí về cơ sở vật chất, nhân lực và các quy trình khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập và tư nhân khi tham gia loại hình du lịch y tế.

PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG
Phó Giám đốc  Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm