TAND Tối cao vừa công bố bảy án lệ mới, trong đó có Án lệ số 62/2023/AL về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con.
Nguồn án lệ dựa trên bản án phúc thẩm ngày 22-3-2018 của TAND tỉnh Bình Phước về vụ án xác định cha cho con, cấp dưỡng nuôi con giữa nguyên đơn là chị D với anh C.
Nội dung vụ án
Theo chị D, chị và anh C chung sống từ năm 2013 có tổ chức đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Do không chung sống với nhau được nên đã đề nghị tòa án giải quyết. Tại bản án ngày 31-3-2017, TAND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã tuyên không công nhận chị D, anh C là vợ chồng.
Hình minh họa |
Trong thời gian chung sống, chị D và anh C có một con chung là P, sinh ngày 12-1-2014, do chị D nuôi dưỡng.
Chị D khởi kiện đề nghị tòa xác định cháu P là con của chị và anh C và yêu cầu anh C cấp dưỡng mỗi tháng 1,5 triệu đồng kể từ ngày sinh của P đến khi bé đủ 18 tuổi.
Đã công bố 63 án lệ
Tính tới thời điểm hiện tại, TAND Tối cao đã công bố tất cả 63 án lệ. Trong đó có bảy án lệ mới được công bố tại Quyết định 39 ngày 24-2-2023 gồm:
1. Án lệ số 57/2023/AL về hành vi gian dối nhằm tiếp cận tài sản trong tội cướp giật tài sản.
2. Án lệ số 58/2023/AL về tình tiết định khung hình phạt tại điểm c khoản 3 Điều 244 BLHS (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm - PV).
3. Án lệ số 59/2023/AL về lỗi cố ý gián tiếp trong vụ án giết người.
4. Án lệ số 60/2023/AL về thời hạn trả thưởng xổ số kiến thiết.
5. Án lệ số 61/2023/AL về chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi chưa thành niên.
6. Án lệ số 62/2023/AL về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong vụ án tranh chấp về xác định cha cho con.
7. Án lệ số 63/2023/AL về xem xét quyết định hành chính có liên quan đến hành vi hành chính bị khiếu kiện.
Anh C thừa nhận cháu P là con đẻ của anh. Do mâu thuẫn nên chị D đã không cho anh C nhận cháu P là con và khai sinh lấy họ theo mẹ. Đối với yêu cầu cấp dưỡng, anh cho rằng là quá cao, anh chỉ đồng ý cấp dưỡng mỗi tháng 1,3 triệu đồng, tính từ ngày 1-11-2017 đến khi cháu P trưởng thành.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Lộc Ninh tuyên công nhận sự thỏa thuận giữa chị D và anh C xác định cháu P là con ruột của chị D và anh C. Giao cháu P cho chị D nuôi dưỡng, buộc anh C cấp dưỡng mỗi tháng 1,5 triệu đồng cho đến khi cháu P đủ 18 tuổi. Thời gian cấp dưỡng tính từ ngày 12-10-2017.
Chị D sau đó kháng cáo đề nghị anh C phải thanh toán tiền cấp dưỡng nuôi cháu P từ khi sinh ra cho đến ngày 12-10-2017 là 45 tháng với số tiền 67,5 triệu đồng. Còn anh C thì kháng cáo đề nghị hạ mức cấp dưỡng xuống 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh C còn yêu cầu được nhận cháu P về nuôi mà không cần chị D cấp dưỡng.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm (TAND tỉnh Bình Phước) cho rằng từ khi được sinh ra cháu P được chị D một mình chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển bình thường về thể chất và tinh thần nên giao cháu P cho chị D nuôi dưỡng là phù hợp.
Về mức cấp dưỡng, theo biên bản xác minh của TAND huyện Lộc Ninh thì chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ độ tuổi như cháu P cần 3 triệu
đồng/tháng. Như vậy, việc buộc anh C phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu P mỗi tháng 1,5 triệu đồng là phù hợp. Bởi lẽ, anh C là giáo viên có thu nhập ổn định, mức lương hằng tháng gần 5 triệu đồng, do đó anh C đề nghị giảm mức cấp dưỡng xuống là không có căn cứ.
Nội dung án lệ
Cạnh đó, theo HĐXX phúc thẩm, xét quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và BLDS 2005 thì nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chưa thành niên được phát sinh từ khi người con được sinh ra. Việc cấp dưỡng nuôi con là quyền và là nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con.
Cháu P là con chung của chị D và anh C nhưng từ khi cháu P sinh ra là ngày 12-1-2014 cho đến ngày 12-10-2017 (ngày chị D làm đơn khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng), một mình chị D chăm sóc, nuôi dưỡng và chi trả các khoản chi phí nuôi con. Như vậy, tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc anh C hoàn trả số tiền chi phí mà chị D bỏ ra để nuôi cháu P từ ngày sinh cho đến ngày khởi kiện là không phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị D.
Do đó cần chấp nhận một phần kháng cáo của chị D, buộc anh C phải hoàn trả lại cho chị D 1/2 của số tiền mà chị D đã bỏ ra nuôi con tính từ ngày sinh cho đến ngày khởi kiện.
Từ đó, TAND tỉnh Bình Phước sửa bản án sơ thẩm buộc anh C phải hoàn trả tiền cấp dưỡng nuôi con chung cho chị D từ ngày 12-1-2014 đến 12-10-2017.
Sự cần thiết của án lệ
GS-TS Đỗ Văn Đại, thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ - TAND Tối cao |
Tranh chấp về thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên khá phổ biến và tòa án rất không thống nhất trước khi có Án lệ số 62/2023/AL. Do đó, ông đã đề xuất án lệ trên.
án lệ này giải quyết được hai vấn đề lớn.
Thứ nhất là thời điểm bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Đây là vấn đề chưa có hướng giải quyết rõ ràng trong văn bản và có do dự giữa thời điểm trẻ sinh ra và thời điểm tòa án tuyên xác định một người là cha.
Nếu lấy thời điểm bắt đầu nghĩa vụ cấp dưỡng từ thời điểm xét xử là không công bằng cho người mẹ vì việc tòa xét xử vào thời điểm nào không lệ thuộc vào ý chí của người mẹ và người cha có thể tìm cách trì hoãn ngày xét xử để từ đó thoái thác trách nhiệm cấp dưỡng của mình. Hơn nữa, trong trường hợp án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm và phải giải quyết lại thì thời điểm xét xử có thể đã quá muộn, trẻ lúc đó có thể đã thành niên và không còn được cấp dưỡng nữa.
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (kế thừa quy định trước đây) quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Ở đây, cứ là cha dù không chung sống với con, dù chưa được tòa án công nhận thì phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên, không phân biệt con trong hay ngoài giá thú; không phụ thuộc vào thời điểm được tòa án chính thức xác nhận một người là cha. Một người là cha đẻ thì luôn luôn là cha từ khi đứa trẻ được sinh ra mà không lệ thuộc vào việc ngày nào tòa án xác định người đó là cha.
Vì thế, hướng lấy thời điểm tòa án tuyên xác định một người là cha để bắt đầu tính nghĩa vụ cấp dưỡng là không phù hợp với quy định của luật. Thực chất đây là loại án tuyên bố quyền, nghĩa vụ và cụ thể là án ghi nhận quyền của trẻ, nghĩa vụ của người cha và quyền, nghĩa vụ này đã tồn tại trong Luật Hôn nhân và gia đình. Đây không là án xác lập quyền, nghĩa vụ nên việc Án lệ số 62/2023/AL tính nghĩa vụ cấp dưỡng từ thời điểm trẻ sinh ra là phù hợp và thuyết phục, để bảo vệ trẻ và người mẹ nuôi con một mình. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người cha đối với trẻ.
Vấn đề thứ hai là hoàn trả công sức cho người nuôi con một mình. Trước khi tòa án công nhận một ai đó là cha, thông thường người mẹ một mình nuôi dưỡng trẻ; người mẹ nuôi dưỡng trẻ thay thế cả phần người cha. Do đó, người mẹ xứng đáng được nhận lại lợi ích mà người mẹ đã bỏ ra để nuôi dưỡng thay phần người cha trước thời điểm người cha được tòa án công nhận là cha.
Do đó, án lệ này còn có điểm tích cực nữa là buộc người cha phải hoàn trả cho người mẹ số tiền mà người mẹ đã bỏ ra để nuôi trẻ thay cho người cha trong giai đoạn trước khi tòa án xác định người đó là cha. Hướng đi này bảo vệ tốt người mẹ nuôi con một mình và nâng cao trách nhiệm của người cha đối với người con và người mẹ nuôi con một mình.
GS-TS Đỗ Văn Đại,
thành viên Hội đồng Tư vấn án lệ - TAND Tối cao