Tướng Phan Anh Minh: Kiểm tra tụ điểm nhạy cảm là ra ma túy

"Tội phạm ma túy đã có sự thay đổi và có quy mô lớn hơn rất nhiều". Thiếu tướng Phan Anh Minh, cựu Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát biều tại Hội nghị đánh giá thực trạng tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn do Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 4-10 như trên. 

Thiếu tướng Phan Anh Minh phân tích về tội phạm ma túy và những điều cần thay đổi để kiểm soát, kéo giảm. Ảnh NT.

Ma túy: Nguồn gốc của vi phạm pháp luật

“20 năm nay chúng ta đối diện với cuộc chiến với ma túy, hiện nay phải nói chắc chắn rằng tội phạm ma túy quy mô ngày càng lớn”- ông nói.

“Khi tôi được phân công lại phụ trách lực lượng cảnh sát thì đơn vị tính bắt là từng bánh heroin, từng kg nhưng hiện nay đơn vị tính bằng tấn rồi”, ông nói.

Cựu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM lo ngại rằng người nghiện tăng, chủng loại ma túy được sử dụng và lạm dụng ngày càng nhiều. Điều này gây hệ quả về trật tự xã hội thậm chí là xảy ra những vụ cuồng sát người thân.

“Chúng ta có thể nhìn lại và đánh giá về Chỉ thị 36 của Bộ chính trị rất rõ ràng là chưa đạt được yêu cầu tổng quát về việc kiềm chế, kéo giảm kể cả tội phạm và tệ nạn ở góc độ là người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy” – ông lo lắng.

Tướng Minh cho rằng trong tương tác tội phạm, tệ nạn ma túy và tình hình ANTT… thì thành tố người nghiện là thành tố trung tâm, chủ lực và nguy hiểm nhất. “Người nghiện không chỉ là mặt cầu để nuôi sống cho tội phạm cung cấp ma túy và khi họ tha hóa thì thành nhân lực tiếp tay. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, mua bán ma túy để đánh giá chất lượng qua việc dùng thử”, ông nói.

Ông tiếp: Người nghiện là thành tố làm gia tăng phạm pháp hình sự, làm ANTT xã hội xấu hơn. Thời gian 2008 và 2013 có tỉ lệ phạm pháp hình sự trên địa bàn TP cao nhất.

"Khi soi lại nguyên nhân thì là do bế tắc trong việc giải quyết người nghiện do Nghị quyết 16 về quản lý sau cai và Luật xử lý vi phạm hành chính chuyển đổi từ quyết định hành chính của UBND sang cho tòa án theo diện bắt buộc gây tồn đọng người nghiện thì phạm pháp hình sự ngay lập tức gia tăng”, ông thông tin.

Nên thay đổi chính sách

Theo cựu Phó Giám đốc Công an TP.HCM, việc đề cao quyền con người của người nghiện, coi họ là bệnh nhân cần chăm sóc điều trị là chưa đủ.

“Bởi vì với lập luận như vậy thì chúng ta đều thấy rằng người nghiện là người bị lệch lạc về nhân cách. Họ tự gây ra suy thoái nhân cách của mình, có nguy cơ đối kháng với xã hội và có nguy vi phạm pháp luật rất cao, cần phải chăm sóc điều trị và quản lý đặc biệt”- tướng Minh khẳng định.

Ông cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn với người nghiện, đưa họ vào dạng được "quan tâm" đặc biệt. Ảnh NT.

Ông cho rằng cần phải có quan điểm nghiêm khắc hơn với người nghiện ma túy. “Đối sách của chúng ta theo tôi nghĩ là phải tập trung và ưu tiên cho việc ngăn ngừa việc phát sinh thêm người nghiện mới và can thiệp sớm hơn. Theo dõi, giúp đỡ liên tục hơn tập trung vào các cá nhân và quần thể người vi phạm và có khả năng vi phạm, nguy cơ tái phạm về ma túy. Chúng ta phải nhìn nhận và giải quyết để tự cứu mình” – ông Minh nói.

Phương thức tuyên truyền hiện cũng còn tồn tại. Khẩu hiệu gắn trên đường hoặc tới tháng phòng chống ma túy cho xe chạy để tuyên truyền hình như là lãng phí vì 2/3 dân TP.HCM đều hiểu được vấn nạn này.

“Cái mà chúng ta cần là các người nguy cơ và địa điểm nguy cơ. Người nghiện họ tự lôi kéo nhau, không phải là nhu cầu bản năng mà là do nhân tạo, do tự tập mà thành. Bây giờ, cứ kiểm tra tụ điểm nhạy cảm là ra ma túy… Nếu có tuyên truyền, hãy tập trung vào những chỗ này”.

Ông cũng cho rằng đối tượng cần phải tuyên truyền, phải giành giật là con em của các gia đình có người vi phạm về ma túy.

Người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa và dùng nhiều loại ma túy tổng hợp cùng lúc trong các vũ trường, quán bar. Ảnh NT.

Về các địa điểm kinh doanh có điều kiện, trách nhiệm không chỉ có cảnh sát phòng chống ma túy mà còn có cả cảnh sát quản lý hành chính về an ninh trật tự cấp giấy chứng nhận. “Chúng ta đừng than phiền rằng là họ đổi chủ. Nếu tôi phát hiện anh vi phạm thì tôi rút giấy chứng nhận, hủy giấy chứng nhận thì lập tức cơ sở đó không được kinh doanh” – tướng Minh nói.

Ông cũng cho rằng cần có những sự thay đổi việc đánh giá tình trạng của người nghiện ma túy tổng hợp. “Người ta đều cho rằng việc chẩn đoán tình trạng nghiện ma túy tổng hợp thì cần phải theo dõi và đợi tới hậu quả loạn thần, ảo giác tức là đã rơi vào không thể điều khiển được hành vi nữa, phải thay đổi nhận thức này”, ông nói.

Nhiều trường hợp điều trị thì yêu cầu có phác đồ với từng loại ma túy, thế nhưng mỗi năm thế giới xuất hiện thêm 3 loại ma túy mới theo đà phát triển của hóa dược, nên không thể ban hành kịp phát đồ.

Ôn cũng đề xuất quản lý chặt hơn, lâu dài hơn, hỗ trợ nhiều hơn với các trường hợp sau cai tránh lãng phí vì cai xong lại tái nghiện, phải cai lại từ đầu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm