Bơm nước để tăng trọng lượng của heo
Với mục đích tăng kích thước và trọng lượng của heo trước khi đem bán, hoặc giết mổ, nhiều người đã bơm nước vào heo sống. Việc tưởng chừng như chỉ là một hành vi gian lận thương mại nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Heo bị bơm nước để tăng trọng lượng. Ảnh: Trần Ngọc
Thịt heo bị rỉ nước khi giết mổ. Ảnh: Trần Ngọc
Trên thực tế, việc bơm nước vào heo đã xuất hiện cách đây nhiều năm, như năm 2014 ở An Giang, Đồng Tháp, cuối năm 2016 ở chợ Bình Điền.... Hay mới đây, ngày 11-5-2018, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49) Công an Đồng Nai đã xác nhận bắt quả tang một cơ sở 9 lần bơm nước vào heo với tổng số 1.260 con trước khi mang đi tiêu thụ…
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học & Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay để tăng trọng lượng vật nuôi trước khi đem bán, người chăn nuôi sẽ cho heo ăn rất nhiều cám loãng chứa nhiều nước. Hoặc dùng các đầu ống lần lượt đút vào họng thọc thẳng xuống bao tử của từng con heo.
"Về cơ bản đó là hành vi gian lận thương mại, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà chỉ làm giảm chất lượng thịt khi chế biến."
Tuy nhiên PGS. Thịnh cho biết thêm, thông thường khi bơm nước vào cơ thể heo, chúng sẽ tự bài tiết thông qua đường nước tiểu. "Nếu để lâu thì nước sẽ tự bài tiết đi hết, do đó để giữ nước, nhiều người đã tiêm cho heo một loại thuốc giữ nước. Đây mới là vấn đề nguy hiểm, bởi không chỉ ảnh hưởng tới thịt mà còn sức khỏe người tiêu dùng", PGS Thịnh lưu ý thêm.
Cách nhận biết thịt lợn bơm nước
PGS Thịnh cho hay, để phân biệt được đâu là thịt lợn tươi ngon và thịt lợn bị bơm nước, người tiêu dùng cần quan sát màu sắc, thớ thịt và độ đàn hồi của thịt.
Theo đó, vị chuyên gia cho hay, thịt heo tươi ngon sẽ có độ săn chắc nhất định, khi sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, màng ngoài khô và dính. Thịt bị bơm nước tăng trọng thường có màu nhạt hơn, miếng thịt nhão, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài và không có độ đàn hồi. Thêm vào đó, khi nấu thịt sẽ ra nhiều nước và không thơm ngon bằng thịt tươi.
Trước đó, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cũng đưa ra dấu hiệu nhận biết heo bị bơm nước như phần bụng chướng to, đi lại khó khăn và thở khó... Theo đó, Ban cũng thành lập các Đội Quản lý An toàn thực phẩm (Đội 9 và Đội 10) thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, thực hiện công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm hàng đêm nói chung và tình trạng thịt heo nói riêng.