Án treo cho BS Lương: Viện kiểm sát nói không

Ngày 14-6, phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương cùng bốn bị cáo trong vụ án liên quan đến sự cố chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình bước sang ngày làm việc thứ ba. Kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình công bố quan điểm về kháng cáo của các bị cáo, các luật sư (LS) trình bày bài bào chữa để bảo vệ cho thân chủ của mình.

Đề nghị giảm án cho Hoàng Công Lương

Trong số năm bị cáo, Hoàng Công Lương là người duy nhất được VKSND đồng ý chấp nhận một phần nội dung kháng cáo.

Theo đó, sau phiên sơ thẩm hồi tháng 1-2019, Lương lần lượt có ba kháng cáo: Kêu oan; xin miễn trách nhiệm hình sự; xin xem xét lại tội danh, giảm hình phạt, xin được hưởng án treo. Tại tòa phúc thẩm, Lương giữ kháng cáo cuối cùng nhưng rút lại nội dung “xin xem xét lại tội danh”. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX đình chỉ xét xử phần kháng cáo về tội danh này.

Với nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, cơ quan công tố nhận định sau khi xảy ra sự cố, Lương đã tích cực tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân, có nhân thân tốt, bản thân chưa có tiền án, tiền sự, là người dân tộc thiểu số, quá trình công tác có nhiều thành tích…

Lần xét xử này Lương đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đồng thời cung cấp chứng cứ mới, hỗ trợ bồi thường cho gia đình các nạn nhân trong vụ án. Ngoài ra, người thân của Lương có công với đất nước, bản thân bị cáo bị trầm cảm, con mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình các bị hại có đơn xin giảm nhẹ… Vì vậy, Vks cho rằng có cơ sở để xem xét những tình tiết giảm nhẹ trên nên đề nghị tòa giảm hình phạt cho Lương.

Với nội dung xin hưởng án treo, đại diện VKS khẳng định hậu quả, hành vi của Lương gây ra trong vụ án khiến tám người tử vong, 10 người bị thương; để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung, đề nghị HĐXX không chấp nhận. Từ đó, công tố viên đề nghị tòa chấp nhận phần nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên phạt Lương 36-39 tháng tù.

Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa ngày 14-6.  Ảnh: TUYẾN PHAN

Đề nghị bác kháng cáo những người còn lại

Đối với bốn bị cáo còn lại gồm  Trương Quý Dương (cựu giám đốc), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc), Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư) và Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn), đại diện VKS đề nghị bác toàn bộ kháng cáo.

Về bồi thường dân sự, bản án sơ thẩm buộc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn liên đới bồi thường cho mỗi gia đình có nạn nhân tử vong 200 triệu đồng, mỗi người bị ảnh hưởng sức khỏe 50 triệu đồng. Trong đó, bệnh viện chịu 70%, Thiên Sơn chịu 30%.

Tuy nhiên, đại diện VKS đề nghị HĐXX cần đánh giá lại vai trò của Bùi Mạnh Quốc, Hoàng Công Lương và Trần Văn Sơn, xác định các bị cáo đều có lỗi gây thiệt hại. Việc chỉ có bệnh viện và công ty chịu trách nhiệm bồi thường cần phải xem xét lại theo quy định pháp luật.

“Lỗi của Lương là vô ý vì quá tự tin”

Trái ngược với các phiên sơ thẩm khi Hoàng Công Lương luôn có hàng chục LS bào chữa theo hướng vô tội, tại tòa phúc thẩm Lương chỉ có duy nhất LS Hoàng Văn Hướng (Đoàn LS TP Hà Nội) bào chữa. Quan điểm bào chữa của ông Hướng cũng hoàn toàn khác với các LS trước đây.

“Tôi xin trình bày rõ là không có ý kiến nào khác về tội danh, không bào chữa theo hướng hủy bản án sơ thẩm và điều tra bổ sung mà bào chữa theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị cho Hoàng Công Lương được hưởng án treo hoặc miễn hình phạt” - LS Hướng mở đầu.

Theo ông Hướng, trong vụ án này, Lương có lỗi vô ý vì quá tự tin chứ không phải do cẩu thả. Lương từng được đào tạo ba tháng tại BV Bạch Mai về lọc máu nhưng không hề được đào tạo về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế. Quá trình đào tạo như vậy, Lương tư duy rằng mỗi bộ phận sẽ tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, nhiệm vụ của mình; khâu sau tiếp nhận kết quả của khâu trước, hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của nhau.

Ngoài ra, sau mỗi lần sửa chữa hệ thống RO, việc bàn giao bằng miệng giữa phòng Vật tư với đơn nguyên thận nhân tạo đã trở thành quy trình hành chính bất thành văn tồn tại rất nhiều năm tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Lương ra y lệnh khi mới chỉ nghe điều dưỡng báo cáo rằng hệ thống RO đã được bàn giao, có thể đưa vào sử dụng mà không kiểm tra xem có biên bản bàn giao hay chưa cũng xuất phát từ chính đây.

Chưa hết, để xác định độ an toàn của nước tại đơn nguyên thận nhân tạo, thiết bị duy nhất là đồng hồ đo độ dẫn điện. Với quy trình thói quen như đã nói kết hợp với chỉ số hiển thị trên đồng hồ đo độ dẫn điện đã đạt, Lương không mảy may nghi ngờ về chất lượng nước khi ra y lệnh.

“Lương không hoàn toàn đúng khi chưa gọi điện thoại hỏi lại Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư) về kết quả sửa chữa, khi chưa biết có biên bản bàn giao hay chưa mà đã ra y lệnh. Nhưng thực tế, dù Lương có thực hiện những việc này thì cũng không ngăn chặn được hậu quả” - LS Hướng bào chữa.

LS Hướng cũng đưa ra rất nhiều tình tiết giảm nhẹ và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt 42 tháng tù xuống dưới 36 tháng tù, từ đó cho Lương được hưởng án treo.

Đồng quan điểm với LS của mình, Hoàng Công Lương không tranh luận gì thêm mà chỉ mong HĐXX xem xét tất cả tình tiết có thể cho mình được hưởng án treo để trở về với công việc.

Tuy nhiên, đối đáp lại, đại diện VKS tiếp tục khẳng định Lương có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng không bắt buộc phải áp dụng án treo.

HĐXX cho biết tòa vẫn sẽ làm việc vào sáng nay, thứ Bảy 15-6.

Lỗ hổng quy trình đã lấp

Nghị định 63/2012 quy định Bộ Y tế phải có nhiệm vụ và trách nhiệm “xây dựng, ban hành các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khám bệnh, chữa bệnh, an toàn truyền máu, lọc máu, điều dưỡng, phục hồi chức năng…”.

Năm 2014, Bộ Y tế ban hành Quyết định 3592 trong đó có quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo nhưng không hề ban hành bất kỳ quy trình nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo. Phải đến sau khi xảy ra sự cố, năm 2018 Bộ Y tế mới có Quyết định 2482 bổ sung quy trình sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo. Dù vậy, quyết định này vẫn không hề nhắc đến một quy chuẩn nào về thủ tục hành chính liên quan đến công tác sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đặc biệt là thủ tục bàn giao sau sửa chữa.

Đơn nguyên hoặc khoa thận nhân tạo phải thực hiện các hình thức gì để biết chắc chắn kết quả sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO của bộ phận phụ trách việc sửa chữa, bảo dưỡng? Phải bàn giao theo hình thức nào, bằng miệng hay phải bằng biên bản, nếu là biên bản thì phải có hình thức, nội dung như thế nào?

Trước ngày xảy ra sự cố, lỗ hổng của Bộ Y tế về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị dùng cho chạy thận là nguyên nhân gây ra hành vi vi phạm của Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc. Đến nay lỗ hổng này đã được lấp nhưng quy trình về thủ tục bàn giao trang thiết bị sau sửa chữa chưa có nên vẫn tồn tại rủi ro cho những người ở vị trí như Hoàng Công Lương khi phải sử dụng kết quả của khâu sửa chữa, bảo dưỡng để xem xét ra y lệnh.

LS Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho BS Lương tại tòa 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm