Ấn tượng dự án khởi nghiệp 'Robot y tá' của sinh viên Trường ĐH Bách khoa

(PLO)- Với dự án độc đáo về Robot y tá tích hợp AIoT, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa giành giải nhất với 30 triệu đồng, gói hỗ trợ và 1.000 USD.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam

Tại chung kết cuộc thi Bach Khoa Innovation năm 2024 (BKI 2024) do Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa tổ chức, một số dự án sáng tạo của sinh viên, học sinh đã gây ấn tượng lớn với ban tổ chức.

PGS.TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho biết đây là cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và được trường tổ chức thường niên từ năm 2018 đến nay. Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ kiến tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp, đồng thời góp phần ươm tạo, phát triển các tài năng khởi nghiệp.

Riêng năm nay, cuộc thi thu hút 91 đội tham gia với ba nhóm đối tượng. Trong đó, 59 đội ở bảng sinh viên, 20 đội ở bảng học sinh THPT và 12 đội thi đặc biệt ở bảng Start-up.

Các đội đã trải qua hai vòng thi là vòng thuyết trình (pitching) tại khu triển lãm ngoài trời. Những đội xuất sắc nhất ở mỗi bảng tiếp tục trưng bày dự án và thuyết trình, hỏi đáp trực tiếp với ban giám khảo ở vòng chung kết.

Kết quả, ở bảng sinh viên, giải nhất thuộc về nhóm AIoT BKR gồm 5 thành viên đang học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) với dự án Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động.

Theo chia sẻ từ đội thi, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng số hóa, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, đội thi AIoT BKR nhận thấy tình trạng quá tải bệnh viện và thiếu hụt y bác sĩ là thách thức lớn, khiến tình trạng bệnh nhân thiếu sự tương tác hỗ trợ về mặt tinh thần trong quá trình điều trị, cách ly,... thêm đáng quan tâm. Hiểu rõ nhu cầu cấp thiết này, đội đã phát triển Florence (robot y tá) hỗ trợ từ xa tại các bệnh viện.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa khởi nghiệp
Nhóm AIoT BKR đang thảo luận về dự án khởi nghiệp của mình

Florence được trang bị những tính năng tiên tiến như tự động điều hướng và nhận diện bệnh nhân, vận chuyển vật phẩm y tế, đo lường chỉ số sức khoẻ cơ bản, giao tiếp bằng giọng nói để hướng dẫn và nhắc nhở bệnh nhân về liệu trình điều trị.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), robot có khả năng thu thập dữ liệu bệnh nhân và truyền đạt nhanh chóng đến bác sĩ để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Khả năng hỗ trợ từ xa này của Florence là yếu tố quan trọng giúp giảm tải cho nhân viên y tế và đảm bảo người bệnh vẫn được quan tâm chu đáo.

Đại diện nhóm chia sẻ thêm rằng, một trong những điểm nổi bật của Florence là khả năng giao tiếp bằng giọng nói, giúp robot dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, từ người già đến trẻ em, bất kể mức độ thành thạo công nghệ.

“Với tầm nhìn tạo ra những sản phẩm “Do người Việt - cho người Việt”, đội thi AIoT BKR mong muốn phát triển các công nghệ phù hợp với nhu cầu của hệ thống y tế Việt Nam, với chi phí hợp lý.

Bằng cách kết hợp công nghệ tiên tiến với sự am hiểu về thị trường nội địa, nhóm tin tưởng rằng Florence và các sản phẩm robot tương tự sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và mang lại sự tiện ích tối ưu cho người dân Việt Nam” – đại diện nhóm chia sẻ.

Với ý tưởng độc đáo này, nhóm AIoT BKR của Trường ĐH Bách khoa đã nhận được 30 triệu đồng, gói hỗ trợ phát triển dự án và phần thưởng 1.000 USD từ tập đoàn Bumi Armada Berhad (Malaysia).

truong-dh-bach-khoa-khoi-nghiep (2).JPG
Dự án Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động nhận giải thưởng cao nhất ở bảng sinh viên

Ở bảng học sinh, giải nhất thuộc về nhóm Cờ Gánh (Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức) với dự án bộ công cụ tự học python và tư duy tính toán.

Còn ở bảng Start-up, giải nhất 50 triệu đồng thuộc về nhóm Finsey với dự án nền tảng tài chính trong lĩnh vực giáo dục cung cấp các khoản vay học phí.

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao giải cho bốn giải nhì, bốn giải ba và các giải khuyến khích ở các bảng thi.

truong-dh-bach-khoa-khoi-nghiep (3).JPG
Các đội thi xuất sắc ở chung kết nhận thưởng từ ban tổ chức. Ảnh: NQ

Đánh giá từ ban giám khảo, cuộc thi năm nay thu hút nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, thể hiện đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên. Hầu hết các đề tài đều hướng đến các giải pháp tích hợp công nghệ nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng, nhất là các nhóm yếu thế trong xã hội hoặc liên quan đến công nghệ sinh học, môi trường, thực phẩm,....

Đặc biệt, các đội thi ở bảng Start-up mang đến những sản phẩm hoàn thiện, thể hiện nhiều tiềm năng phát triển về mặt kinh doanh như nền tảng tài chính, thiết bị ứng dụng công nghệ AI cảnh báo cháy nổ mỹ phẩm thiên nhiên,....

Thông tin từ Trường ĐH Bách khoa, giai đoạn năm 2025-2030, trường sẽ tiếp tục duy trì cuộc thi Bách khoa Innovation này nhưng sẽ mở rộng đến khu vực Đông Nam Á nhằm thúc đẩy chiến lược quốc tế của cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp quốc gia.

Theo đó, bên cạnh các bảng thi truyền thống bao gồm các bảng Start-up, Sinh viên và Học sinh, cuộc thi dự kiến có thêm các bảng liên quan đến doanh nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm