Bà bán hột vịt lộn và 10.000 lá thư tìm mộ liệt sĩ

Hơn 10 năm qua, bà Mai Thị Tuyết (69 tuổi), cựu chiến binh phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM, đã lặn lội khắp các nghĩa trang để tìm thông tin các liệt sĩ miền Bắc hy sinh ở chiến trường miền Nam và viết từng lá thư gửi về quê nhà của các liệt sĩ để người thân được yên lòng.

Tớ sẽ đi tìm các cậu!

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bà Mai Thị Tuyết là xã đội trưởng xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định, có nhiệm vụ động viên thanh niên huyện nhà vào Nam chiến đấu. Hòa bình lặp lại, hay tin những đồng đội do chính tay mình đưa qua vĩ tuyến 17 đã phần nhiều không trở lại.

Bà nhớ lại những ngày tuyển quân vào chiến trường miền Nam ai cũng hăng hái lên đường. Có người thiếu cân nặng, phải lén bỏ đá vào túi áo để được tuyển. Day dứt, bà đã khắc vào tim lời hứa “Tớ sẽ đi tìm các cậu”.

Từ năm 2004, bà Tuyết bắt đầu đi tìm đồng đội của mình. Bà đùm cơm nắm muối mè đi đến các nghĩa trang liệt sĩ ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Đồng Nai để tìm bia mộ của đồng đội Hải Hậu, viết từng cái tên và xin danh sách cụ thể từ ban quản trang để làm bằng cứ. Rồi bà đến các trung đoàn, sư đoàn, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh để tìm nơi hy sinh của đồng đội mình. Sau đó bà cẩn thận viết từng lá thư, nêu rõ tên, tuổi, quê quán, đơn vị và nơi hy sinh hoặc nơi an táng của liệt sĩ gửi về cho gia đình.

Năm đầu tiên rong ruổi các nghĩa trang, gõ cửa các cơ quan, đơn vị cũng là năm bà phát hiện ra đứa con trai bị ung thư máu. Nỗi đau con trai sẽ không qua khỏi, nỗi đau liệt sĩ hy sinh, khó biết nỗi đau nào hơn nỗi đau nào. Nhưng bà tự an ủi chính mình rằng dù gì con trai bà cũng đã sống mấy mươi năm trong thời bình, thụ hưởng cuộc sống tự do, độc lập trên xương máu lớp người đi trước. Nghĩ thế, bà gắng gượng.

Cứ thế, bà vừa đi tìm vừa viết thư gửi về cho các gia đình liệt sĩ. Thấm thoát mà đã 10 năm trôi qua, con số lá thư gửi từ miền Nam ra ngoài Bắc đã lên đến gần 10.000. Chính tay bà tự soạn sẵn mẫu thư, chuẩn bị các giấy tờ liên quan hướng dẫn các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ. Số tiền phong bì, tem thư là số tiền lời ít ỏi từ việc bán hột vịt lộn của bà. Có ngày tròn trăm, có ngày vài chục, có bao nhiêu tiền bà gửi đi bấy nhiêu lá thư.

Từ tiền bán hột vịt lộn mỗi ngày, bà Tuyết để dành đi tìm mộ liệt sĩ. Ảnh: LÊ THOA

Bà cho con vài phút để khóc đã…

Bất ngờ và xúc động khi nhận được thư báo của bà Tuyết, ông Nguyễn Tuấn Hạnh, thân nhân của liệt sĩ Đặng Văn Lựa (Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, hy sinh năm 1972 ở Bình Long), kể: “Năm đó nhận được giấy báo tử của người cháu, gia đình chú biết là cháu hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn nhưng không tài nào tìm được dù bản thân chú cũng từng chiến đấu ở đó”. Chú Hạnh bày tỏ rằng rất biết ơn bà Tuyết, nhờ những bức thư của bà Tuyết mà gia đình đã tìm được hài cốt của liệt sĩ Đặng Văn Lựa ở Bình Long, Bình Phước. Ông Hạnh xúc động: “Gia đình chú rất biết ơn bà. Tuy rằng địa hình chiến trường miền Nam đã thay đổi rất nhiều sau hòa bình nhưng mà bà Tuyết vẫn nhọc công đi tìm đồng đội, điều mà chú vẫn chưa thể làm cho tới cùng được”.

Mỗi ngày bà nhận nhiều cuộc điện thoại, tiếp nhiều gia đình liệt sĩ. Có người nửa đêm gọi điện thoại cho bà khi hay nơi cha mình hy sinh mà không tài nào đợi đến sáng: “Bà ơi, con là con của liệt sĩ đây”. Chỉ vỏn vẹn vài từ nghẹn ngào bà đã cảm nhận một nỗi đau tưởng chừng đè nén đâu đó nay lại chực bùng lên. Lại một đêm khác: “Bà ơi, con biết con gọi điện thoại cho bà giờ này là con sai rồi nhưng con không chịu được… Con lớn lên con không có cha, con không biết mặt cha, con chỉ hình dung cha qua tấm ảnh. Nay nhờ có bà mà con có thể hình dung cha con ngã xuống trên mảnh đất Tây Ninh như vậy, con mừng lắm…”.

Có lần một thanh niên ở Hà Tây gọi điện thoại cho bà xúc động: “Nhận được thông tin của bà, mẹ với em con khóc nhiều lắm, con phải nín mà không dám bật tiếng khóc, con sợ họ còn khóc nhiều hơn nữa. Sáng nay con gọi điện thoại cho bà nhưng bà cho con vài phút để con khóc đã…”. Cứ thế, những giọt nước mắt vỡ òa sau mấy mươi năm kìm nén.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh (hy sinh năm 1968 tại Đức Hòa, Long An) là một trong nhiều gia đình đã lặn lội vào Nam sau khi nhận được thư báo của bà Mai Thị Tuyết. Thiếu tướng - PGS-TS Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, em trai của liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh, đã đưa được hài cốt của anh ông về quê hương sau mấy mươi năm tìm kiếm.

PGS-TS Nguyễn Quý Khoát chia sẻ: “Cuối năm 2014, khi nhận được thư báo tin của bà Mai Thị Tuyết, gia đình tôi rất mừng nhưng cũng rất hoang mang, chưa biết thật giả thế nào vì trước đó có nhiều thông tin mộ liệt sĩ lừa đảo”. Để giải tỏa mối nghi ngờ, ông Khoát đã vào TP.HCM gặp bà. Sau đó với thông tin mà bà cung cấp, gia đình ông đã về Long An để tìm mộ anh ông. Lúc bấy giờ gia đình mới biết liệt sĩ Khánh cùng 37 đồng đội đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt với địch vào ngày 8-5-1968 tại xã Đức Hòa. Đến nay, gia đình đã đón vong linh liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh về với quê hương.

Ông Nguyễn Quý Khoát cho biết vì giấy báo tử của anh ông không ghi rõ nơi hy sinh, chỉ thông tin chung chung rằng anh đã hy sinh ở mặt trận phía Nam nên nhiều năm qua gia đình chưa tìm được.

__________________________________

Gần 10.000 lá thư của bà Tuyết đã được gửi về cho gần 10.000 gia đình liệt sĩ ở 14 tỉnh, thành phía Bắc (theo tên gọi lúc bấy giờ). Gồm: Quảng Bình, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Hưng, Hà Sơn Bình, Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Cao Bắc Lạng, Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Chữ, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trường Thọ, cho biết: “Bà Mai Thị Tuyết đã nhiều năm làm công tác tìm và gửi thư báo tin nơi liệt sĩ được chôn cất và nơi liệt sĩ hy sinh cho thân nhân các gia đình. Bà làm việc này bằng cái tâm và tình cảm của bà dành cho đồng đội. Lẽ ra danh sách về nơi an táng, hy sinh của các liệt sĩ phải được các đơn vị có trách nhiệm thông báo về cho gia đình vì các danh sách này đã có từ lâu và còn được đưa cả lên mạng cho biết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới