Bà Bảy trên chuyến vỏ lãi đưa các em đến trường - Ảnh: M.Tâm |
Bà đánh thức đứa cháu dậy khi tiếng gà gáy canh năm vẫn còn vẳng trong sương khuya. Hai bà cháu lục tục mặc áo phao xuống vỏ lãi. Tiếng máy nổ vang giòn trong đêm tĩnh lặng. Ánh sáng từ đèn soi ếch mà bà đeo trên đầu loang loáng cả khúc sông quê.
Quyết đưa tụi nhỏđến với con chữ!
Chạy được một đoạn, bà Bảy ghé rước bé Vương Văn Hưởng đang cùng đứng đợi với bà nội. Vỏ lãi rẽ nước băng băng thêm khoảng trăm mét, bà lại lái vào bờ. Không thấy người, bà cất tiếng gọi: “Hòa, tới giờ học rồi”. Năm phút sau mới thấy cậu bé 9 tuổi quảy cặp xuống bến, mặt vẫn còn ngái ngủ.
Cứ vậy, bà hết tấp bờ phải rồi bờ trái rước từng em, và không quên nhắc nhở tụi nhỏ mặc áo phao cho an toàn. Khi ghé đến “trạm” cuối, trên vỏ lãi là 15 em. Trời cũng hửng sáng, tiếng bọn trẻ cười đùa hòa cùng tiếng máy nổ làm lao xao cả vùng sông nước. Chiếc vỏ lãi cập bến trước cổng trường 10 phút trước khi tiếng trống vào học vang lên...
Khi bọn trẻ vào học, bà lên căngtin ngồi đợi. Đến 10g40, trống điểm tan trường, lúc tụi nhỏ ngồi đâu vào đấy, bà đứng xuống nước, dồn lực vào đôi tay đẩy vỏ lãi ra khỏi bờ, rồi nhanh nhẹn ra sau giật máy, nắm tay lái. Bà vừa lái vừa trò chuyện với tụi nhỏ. Đứa líu lo khoe được cô biểu dương, đứa kể mình vừa được thầy khen...
Dưới nắng trưa gay gắt, mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt rám nắng nhưng bà vẫn kiên nhẫn điều khiển cho mũi vỏ lãi ghé vào sát bến để các học sinh lên bờ dễ dàng. Cứ vậy khi bà về đến nhà gần 12g trưa...
“Thôi thì mìnhchịu cực chút!”
Bà đưa rước miễn phí như vậy đã hơn ba năm. Số là vợ chồng con trai đi làm công nhân tận Sài Gòn gửi lại con cho bà chăm sóc. Khi cháu nội đến tuổi học mẫu giáo, bà nghĩ hồi xưa nghèo khó, kênh rạch cắt xẻ đồng ruộng nên bà chịu cảnh thất học, rồi tới đời con cũng vậy. Giờ tuy đỡ hơn nhưng đường ruộng gồ ghề, mấp mô bởi một bên là kênh, một bên là rẫy mía, học trò cấp II chạy xe đạp đi được chứ cấp I thì phải có cha mẹ đưa rước. Không muốn đời cháu lại vướng vào cái vòng luẩn quẩn nghèo - dốt, nên mặc dù chỉ sống đắp đổi qua ngày nhờ vào hai công mía nhưng bà vẫn bàn với chồng quyết vay ngân hàng 20 triệu đồng, dùng 10 triệu đồng mua vỏ lãi, máy nổ, đưa cháu đến trường, 10 triệu đồng còn lại đầu tư vào hai công mía. Phần bà lãnh chuyện đưa rước cháu đi học, phần chồng lo cày cuốc...
Bà tính toán khoảng cách từ nhà đến trường gần 2km. Nếu đưa đi rồi về, sau đó quay lại đón cháu, mỗi ngày như vậy rất tốn tiền xăng. Để tiết kiệm chi phí, bà mang theo võng nằm đợi đến khi tan trường sẽ rước cháu về luôn.
Đưa độ tháng, nhiều người nhờ bà đưa đón con cháu dùm. Với ai bà cũng không nỡ từ chối bởi phần lớn đều là nông dân nghèo, để đưa rước con đi học, vợ hoặc chồng phải cắt cử ra một người, vì vậy gánh mưu sinh dồn lên người còn lại. Bà tâm sự: “Thôi thì mình chịu cực chút, để cả cha mẹ cháu đi làm thêm thu nhập”. Vậy là mỗi ngày bà chịu khó thức lúc 5g sáng chở các em đến trường, 12g mới về đến nhà.
Cứ vậy bà đưa rước miễn phí hàng chục bé từ mẫu giáo đến tiểu học. Đầu năm 2015, lại có thêm nhiều trẻ xin quá giang khiến bà khó xử vì vỏ lãi đã hơi khẳm. Thời may, lúc ấy cô Phạm Ngọc Ửng - hiệu trưởng Trường tiểu học Long Thạnh 3 - thấy vỏ lãi hơi nhỏ lại chở đầy người nên cô vận động mạnh thường quân hỗ trợ phương tiện đưa rước. Và Công ty Vàng bạc đá quý Biên Hòa đã tặng trường vỏ lãi trọng tải một tấn, máy nổ, còn hỗ trợ bà Bảy mỗi ngày một lít xăng cho tới hết năm 2017. Kể từ khi có vỏ lãi mới, bà nhận thêm độ 15 em.
Đưa riết tụi nhỏ xem bà như người thân trong nhà, chuyện vui buồn học hành cũng kể cho bà nghe. Những em mê chơi, quên làm bài trong lớp, bà nhắc nhở để đừng chểnh mảng việc học. Thậm chí thầy cô muốn liên hệ phụ huynh cũng nhờ bà nhắn lại giùm.
Chị Vương Ngọc Giàu, phụ huynh em Trần Thị Thủy Tiên, cho biết con gái chị quá giang bà Bảy được hai năm. Chị Giàu bộc bạch: “Vợ chồng tôi làm thuê quanh năm. Lúc trước tôi đưa đón con nên chỉ mình chồng tôi làm. Nhờ cô Bảy đưa giúp bé mà hai vợ chồng cùng đi làm mới có đồng dư. Giúp vậy nhưng cô Bảy không chịu nhận đồng bạc nào, trong khi hoàn cảnh cô cũng khó khăn. Thiệt, chúng tôi mang ơn cô rất nhiều!”. Biết tính bà vậy nên mọi người chỉ biết hái bầu, bí, mướp... quanh vườn tặng bà. Đối với món quà quê này bà nhận bởi nghĩ như vậy bà con sẽ bớt áy náy, và cái tình cái nghĩa càng thấm đậm hơn...
Bà tâm sự: “Bọn trẻ còn nhỏ nên chuyện học hoàn toàn phụ thuộc người lớn. Đưa rước tuy cực nhưng nghĩ đến cảnh mấy đứa trẻ sau này học thành tài, đổi đời, giúp cho vùng quê nghèo hoặc chí ít cũng biết chữ nghĩa mà buôn bán, sống tử tế, đàng hoàng là dì thấy vui rồi...”.
Cô Phạm Ngọc Ửng - hiệu trưởng Trường tiểu học Long Thạnh 3 - thổ lộ: “Trường có tổng số 425 học sinh, trong đó có 158 em thuộc diện nghèo. Đường đi hơi khó, nhất là vào mùa mưa, trơn trượt rất dễ té. Nhiều chỗ phải đi luồn qua những đám rẫy, bờ mía đẫm sương nên khi đến lớp quần áo các em thường ướt. Những em nhà xa thường đến lớp muộn. Ba năm nay, kể từ khi cô Bảy cho các em quá giang, đưa rước miễn phí, đã hạn chế tình trạng trên”. Ông Nguyễn Thanh Sáng - phó chủ tịch xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - nhận xét: “Long Thạnh là một trong những xã vùng sâu nghèo nhất của huyện. Giờ còn đỡ, chứ lúc trước đường sá chằng chịt với những cây cầu khỉ cheo leo, mọi phương tiện di chuyển đều bằng ghe, thành thử việc đến trường của trẻ gian nan vô cùng. Nhờ có bà Bảy mà nhiều em được đưa rước đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học nên việc làm này rất đáng trân trọng, biểu dương”. |
Theo MINH TÂM (Tuổi Trẻ)