Hãng tin Reuters vừa dẫn lời Rami Abdulrahman, người điều hành “Đài quan sát Syria vì nhân quyền” của Anh cho biết những phi công Iraq đầu quân cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bắt đầu huấn luyện cho các phần tử cực đoan cách lái ba chiếc máy bay chiến đấu mà chúng chiếm được tại Syria. Đây là xác nhận chính thức đầu tiên về khả năng tấn công trên không của IS.
“Cảnh sát toàn cầu” cũng bó tay?
Có lẽ đến lúc này “kẻ khốn khổ” chủ yếu là người Kurd, đặc biệt tại TP Kobani (Bắc Syria) khi bị lực lượng IS truy sát, giết chóc đến tận cùng. Trong bối cảnh bị áp đảo hoàn toàn về quân số và vũ khí, người Kurd dường như chỉ biết chiến đấu bằng lý tưởng và lòng quả cảm trước lời đe dọa “tắm máu” mà IS đưa ra.
Họ trụ lại với mục tiêu “đổ máu” để bảo vệ TP Kobani, nơi giờ đây đang bị kẻ thù bao vây và liên tiếp tấn công từ cả ba phía. Kobani thất thủ đồng nghĩa với “đêm trường Trung cổ” phiên bản mới sẽ được tái hiện, bởi IS chắc chắn sẽ áp đặt kiểu xã hội man di - phụ nữ của bên thua cuộc bị bắt làm nô lệ, làm quà cho binh lính.
Thế giới bắt đầu so sánh trận đánh tại Kobani với cuộc cách mạng vô sản Tây Ban Nha tại Barcelona, hay cuộc chiến của người Do Thái tại trại tập trung phát-xít ở Vác-xa-va (Ba Lan) và thậm chí là cả một Stalingrad thu nhỏ của nước Nga đẩy lùi quân phát-xít Đức.
Tuy nhiên, người ta càng ca ngợi những chiến binh Kurd quả cảm bao nhiêu, anh hùng đến độ nào thì hình ảnh “cảnh sát toàn cầu” mà người Mỹ thường tự hào, lẫn “sức mạnh hủy diệt” của NATO - nòng súng của phương Tây - càng trở nên mờ nhạt.
Máy bay của liên minh Mỹ - phương Tây đã tấn công IS suốt hơn một tháng rưỡi qua ở Syria. Hồi cuối tháng 9-2014, quân đội Mỹ đã hoàn thành cuộc tập trận mô phỏng chiến đấu trên mặt đất lớn nhất kể từ vụ khủng bố 11-9-2011. Mục tiêu là trừng trị IS. Dù vậy, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phải thừa nhận rằng chiến dịch không kích của liên minh đã phá sản. Máy bay chỉ phá hủy kho tàng, nhà cửa và các đoàn xe quá lộ liễu của IS, trong khi các tay súng cực đoan lại “thoải mái” hoạt động.
Một nước Mỹ anh hùng trước cuộc chiến chống phát-xít nửa đầu thế kỷ 20; hay cuộc chiến chống khủng bố đầu thế kỷ 19 từng được ví như “quả đấm thép” nay cũng không còn ý nghĩa bởi mọi chờ đợi từ người dân trong các cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây nhằm trừng phạt và hủy diệt IS đều thất bại.
Thậm chí mới đây, bất chấp bất đồng trong vấn đề Ukraine, Mỹ đã bắt tay Nga để thảo luận việc chia sẻ thông tin tình báo về IS nhằm “trị” những chiến binh thánh chiến “cờ đen”. Tuy nhiên, mọi chuyển biến tích cực vẫn chưa hiển hiện, trong bối cảnh người Kurd đang nguy kịch, còn mạng lưới Hồi giáo cực đoan liên tục được mở rộng với trang thiết bị quân sự ngày càng hiện đại.
Tổ chức khủng bố Khorasan có liên hệ với Al Qaeda. Ảnh: AFP
Sự đắng cay của Mỹ và phương Tây
Giới quan sát nhận định rằng người Mỹ và phương Tây “đau đớn một phần” vì mãi vẫn không trị được IS thì sẽ “cay đắng 10 phần” vì nhà nước tự xưng này do một tay Mỹ và phương Tây “nuôi lớn”. Trang RT dẫn lời các chuyên gia nhận định IS chính là “đứa con quái thai” mà chính sách can thiệp quân sự của Mỹ và phương Tây vô tình tạo nên khi thâu tóm quyền lực tại Trung Đông, mà màn “chào sân” là cuộc chiến tại Iraq năm 2003.
Sức hút của hàng triệu tấn “vàng đen” mỗi năm tại Trung Đông đã thôi thúc Mỹ và phương Tây ra sức “chăm sóc” các vương triều Hồi giáo như Ả Rập Saudi, Bahrain, Qatar và Kuwait. Có ý kiến cho rằng phương Tây “làm lơ” các khoản tài trợ khổng lồ từ các nước vùng vịnh cho khủng bố, trong đó có cả lực lượng tiền thân của IS và tổ chức “thân sinh” ra chúng là Al Qaeda. Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là “tạo cái cớ” để hiện diện ở khu vực giàu dầu mỏ.
Thậm chí cộng đồng người Kurd ở vùng biên giới phía Bắc Syria còn tố cáo IS được nuôi lớn từng ngày bằng những đoàn xe tiếp tế khổng lồ trước sự bình thản của người Mỹ lẫn người phương Tây. Đó là chưa kể các cường quốc vốn thường giơ cao “ngọn cờ nhân quyền” trên khắp thế giới, nay vẫn “bắt tay” với Vương quốc Ả Rập Saudi - vốn vẫn áp dụng luật lệ Hồi giáo “phiên bản mới” của luật Al Qaeda và IS.
Nhưng Mỹ và phương Tây có lẽ chẳng ngờ “đứa con” họ nhặt nuôi nay trở thành “quái thai”. Chuyên gia Marina Ottaway thuộc Trung tâm Wilson (Washington, Mỹ) nhận định IS lại đang là lực lượng đi đầu trong chiến dịch chống phương Tây, chống Mỹ. IS có nhiều điểm chung với hệ tư tưởng của Al Qaeda, cũng như các tổ chức con ở Nigeria, Pakistan, Afghanistan, Somalia, Yemen, Bắc Phi và bán đảo Ả Rập. Đó là lý do các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh không những không hiệu quả mà còn khiến các tổ chức khủng bố khác bắt tay với IS vì xem Mỹ - phương Tây là kẻ thù chung.
Lượng tài chính lên đến mức 2 tỉ USD, với “quân số” đến từ trên dưới 80 nước khác nhau trên toàn thế giới, được trang bị hàng ngàn phương tiện, khí tài chiến tranh thu được tại Iraq cũng như Syria, sức mạnh của IS là không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, sự nguy hiểm của IS được tăng gấp nhiều lần khi các phần tử Hồi giáo tại nhiều nước phương Tây, hay thậm chí tại các cường quốc như Nga, Trung Quốc cũng ra sức ủng hộ tổ chức “diệt chủng” này.
EU vừa qua cho biết có khoảng 3.000 người châu Âu đang chiến đấu cho IS. Bên cạnh đó còn thu hút các nguồn tài trợ từ những nhà tài phiệt ở Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Thế nên phương Tây có lý do để lo lắng, khi mới đây đoàn người biểu tình của người Kurd ở Đức bị các phần tử “thân” IS tấn công.
Al-Nusra, một chi nhánh chính của Al Qaeda ở Syria cũng “nhân dịp” này kêu gọi kết hợp với IS, quân đội chính phủ Bashar Al-Assad và lực lượng quân đội Syria Tự Do (FSA) để tạo lá chắn trước Mỹ và liên minh nhằm chia năm xẻ bảy Syria. Nhưng nỗi ám ảnh của Washington có lẽ là Khorasan, một chi nhánh mới nổi của Al Qaeda, đang thực hiện những âm mưu tấn công khủng bố trên lãnh thổ nước Mỹ. Nếu kết hợp với IS thì đây sẽ là “bộ đôi nguy hiểm” đối với những “tòa nhà chọc trời” mà người Mỹ từng bị đánh sập năm 2001.
Ngày 16-9 vừa qua, hai chi nhánh của Al Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) và Al Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) đã đưa ra lời kêu gọi các nhóm thánh chiến gác bất đồng sang một bên và cùng nhau đoàn kết chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu đang không kích Syria. Sau Bin Laden năm 2001 thì chưa có một hiện tượng Hồi giáo cực đoan nào nổi bật như vậy.
Mỹ - Nga đang phải gác lại bất đồng, tìm cách trị IS. Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Paris - NB News
Phải “đấu trí” trên ba mặt trận
Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và là Thống đốc Dubai Mohammed bin Rashid Al Maktoum viết rằng để IS không dạy cho chúng ta một “bài học” thì chúng ta phải thừa nhận một cách thấu đáo rằng thế giới không thể dập tắt được những ngọn lửa cuồng tín của các chiến binh thánh chiến IS chỉ bằng vũ lực.
Ông Maktoum nhận định trước một liên minh quốc tế đang được tập hợp và được UAE tích cực ủng hộ thì có lẽ thế giới có thể đánh bại IS ở mặt trận quân sự. Tuy nhiên, phải biết rằng đó chỉ là một giải pháp mang tính cục bộ và ngắn hạn.
Một nền hòa bình thật sự và ổn định lâu dài phải được đấu tranh và xây dựng dựa trên ba nền tảng cơ bản không bao gồm các chiến thắng về quân sự như: i) chiến thắng trong cuộc chiến về tư tưởng với IS; ii) thực hiện tốt việc cải cách chính quyền yếu kém và iii) hỗ trợ tối đa các vấn đề phát triển về con người cho dân thường.
Những tư tưởng, lề lối đậm tính tàn bạo và man rợ của IS không đại diện cho Hồi giáo bản gốc hay những giá trị căn bản nhất của loài người. Tuy nhiên, nó đã xuất hiện, lan rộng và tấn công những ai đối đầu với “chiến binh thánh chiến”. Vậy nên “thứ mà cả thế giới đang đấu tranh không chỉ đơn thuần là một tổ chức khủng bố mà còn là hiện thân của một hệ tư tưởng xấu xa - chỉ có thể bị đánh bại trong một cuộc đấu trí đúng nghĩa” - Maktoum nhấn mạnh.
Cụ thể, Maktoum đề xuất một cuộc “đấu trí” dựa trên ba yếu tố. Đầu tiên là chiến lược khai sáng, tư tưởng mở, thái độ khoan dung và chấp nhận khác biệt, đặc biệt là khác biệt văn hóa, tôn giáo. Cần tìm cách khai sáng chiến binh thánh chiến, đưa họ về đúng bản chất của đạo Hồi “Thượng đế tạo ra chúng ta là để mở mang thế giới, không phải để phá hủy nó”.
Bên cạnh đó, thế giới cần sát cánh ủng hộ nỗ lực của các chính phủ, giúp các nước tạo dựng thể chế vững chắc, cung cấp cho người dân những giá trị sống thực tế. Sự phát triển nhanh chóng của IS được thúc đẩy bởi chính quyền Syria gây chiến chống lại chính người dân của họ; trong khi chính quyền Iraq khởi xướng việc phân chia bè phái.
Cuối cùng, phải giải quyết nhanh chóng những khoảng trống đầy rủi ro trong vấn đề phát triển các chỉ số (đời sống, giáo dục, văn hóa, phúc lợi…) cho người dân ở nhiều khu vực của Trung Đông. Maktoum nhắc rằng “Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng khu vực Ả Rập mà còn là trách nhiệm của thế giới”. Bởi lẽ khu vực này ổn định thì chủ nghĩa khủng bố - vốn là nỗi lo của thế giới sẽ không còn đất tồn tại.
THIÊN BÌNH