Bài 1: Hệ thống truyền tải điện 500 kV: Quyết định sống còn

Ngày 5-4-1992 đã đi vào trang sử vàng của ngành điện lực Việt Nam, đó là thời điểm khởi công hệ thống tải điện 500 kV Bắc-Nam. Sự kiện này đã mở đầu cho việc hình thành một công trình truyền tải điện mang tầm vóc thế kỷ của đất nước, mở đầu cho tư duy và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cùng những việc làm phi thường của toàn thể cán bộ, chuyên gia kỹ thuật và công nhân viên ngành điện lực Việt Nam.

Nạn “đói điện”

Về mặt nguyên tắc, điện năng luôn phải đi trước để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ. Thế nhưng vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, do hoàn cảnh lịch sử để lại, việc phân bố nguồn điện trên cả nước đã không tương ứng với nhu cầu điện ở từng vùng miền, khiến cho sự mất cân bằng ngày càng lớn và khó giải quyết được. 

Đường dây 500 kV mang tầm vóc thế kỷ của đất nước ta, mở đầu cho tư duy và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Ở khu vực miền Bắc, lợi thế thủy điện được khai thác tối ưu với thành quả mỗi năm lại có thêm một vài tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đi vào vận hành. Nhưng nhu cầu sử dụng của khu vực này lại không cao. Trong khi đó, miền Nam và miền Trung lại lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, nếu nói một cách hình ảnh là “nạn đói điện” gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân và sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp... Nhất là ở miền Nam, nhu cầu sử dụng điện cao, tình trạng ngày càng gay gắt. Ngay tại TP.HCM, vào mùa khô, phải luân phiên cắt điện từ hai lần, rồi đến ba lần và tới 5 lần mỗi tuần. Nguồn điện cấp chính cho miền Trung chủ yếu là các nguồn điện nhỏ, rải rác, và một phần được cấp điện từ các hệ thống có cấp điện áp chỉ từ 110 kV hoặc 220 kV ở miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, do khoảng cách quá dài so với tiêu chuẩn nên chất lượng điện áp rất thấp.

Nhiệm vụ đặt ra cấp bách lúc này là phải cải thiện được nguồn điện cấp cho miền Trung và miền Nam. Nhưng bằng cách nào? Đơn giản nhất là giải pháp xây lắp gấp những tổ máy tuabin khí chu trình đơn, dùng dầu DO. Nhưng chi phí cho nhiên liệu là một khoản lớn, đẩy giá thành điện lên mức không dưới 1.100 đồng/kWh. Với nhu cầu vài ba tỉ kWh một năm ở thời điểm đó, khoản lỗ của ngành điện sẽ rất lớn. Điều này là không thể chấp nhận được trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế còn đang rất eo hẹp…

Cứ làm, nếu thất bại, tôi sẽ chủ động từ chức!

Trước tình hình đó, một số tổ chức hữu quan có văn bản trình Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đề xuất phương án xin xuất khẩu điện ở miền Bắc sang Trung Quốc mỗi năm khoảng 2 tỉ kWh, lấy kinh phí để “tính chuyện” cho nâng cao khả năng cung cấp điện đối với các khu vực còn lại. 

Một phương án khác cũng được tính đến là hoãn lắp đặt một số tổ máy của Thủy điện Hòa Bình, để dành nguồn lực tăng cường nguồn điện cho miền Nam. Mỗi phương án đưa ra đều có những mặt ưu điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là giải bài toán cung ứng điện một cách bền vững, lâu dài với chi phí hợp lý nhất thì đều chưa thỏa đáng. Vẫn cần đến một cách thức khác để bảo đảm vừa tận dụng được nguồn thủy điện và nhiệt điện than ở miền Bắc, vừa có thể gia tăng năng lực chuyển tải điện nối với miền Trung, miền Nam. Đó là bài toán cân não và muốn giải được nó, chúng ta phải xây dựng hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc-Nam để tận dụng nguồn thủy điện và nhiệt điện than ở miền Bắc. 

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm và kiểm tra thực tế thi công đường dây 500 kV

Ngày 31-1-1992, Bộ Năng lượng (lúc bấy giờ) lập tờ trình về chủ chương, cơ chế đầu tư các công trình đường dây 500 kV Bắc-Nam và được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thông qua. Ngay sau đó, Bộ Năng lượng đã cho triển khai các thủ tục để chuẩn bị xây dựng Đường dây siêu cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Điểm nhấn của mùa xuân năm 1992 là sự kiện Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải ký quyết định thành lập Ban Chỉ huy xây dựng Đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam do Thứ trưởng Bộ Năng lượng Lê Liêm làm Trưởng ban. 

Tuy vậy, việc làm đường dây 500 kV không hề đơn giản, thậm chí có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng thi công một công trình lớn như vậy. Trong đó, đáng chú ý là lá thư của một giáo sư Trường ĐH Grenoble (Pháp) gửi cho Bộ Chính trị. Trong thư, vị giáo sư này đã nêu ra ba nghi vấn về đường dây 500 kV: Đường dây dài gần 1.500 km, là chiều dài của 1/4 bước sóng cho nên không thể tải điện ổn định đi miền Nam; chưa có luận chứng kỹ thuật mà đặt mục tiêu thi công trong hai năm là không tưởng vì trên thế giới chưa có quốc gia nào có thể xây dựng đường dây 1.500 km trong hai năm; giá thành sẽ rất cao, trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn khó khăn nên hiệu quả kinh tế là không có. Lá thư đó lập tức gây xôn xao dư luận, một số đại biểu Quốc hội trước đó đã đồng tình ủng hộ, hôm sau lại hoài nghi.

Giáo sư, Viện sĩ - TSKH Trần Đình Long, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý EVN kể lại: Với suy nghĩ “Không có ai chỉ ra những điểm yếu của mình đầy đủ như những người phản đối mình”, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã nhận ra đó chính là “những cảnh báo mà anh em chưa đặt ra hết”. Vì vậy dù tin anh em, ông Kiệt vẫn bị ám ảnh bởi ý kiến của vị giáo sư đó. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng triệu tập cán bộ kỹ thuật và yêu cầu: “Nhiệm vụ của cán bộ khoa học, kỹ thuật là chứng minh và chịu trách nhiệm về tính khả thi của công trình, những việc khác.... đã có Chính phủ lo”. 

Ông Trần Đình Long đã thức trắng đêm, xem tài liệu và tự tính toán. Việc xử lý chênh lệch 1/4 bước sóng bằng năm trạm bù đã được các chuyên gia nước ngoài thẩm định. Để đảm bảo cho điện áp ổn định, các chuyên gia đã thiết kế các trạm bù đặt dọc đường dây. Mục đích của trạm bù là nơi điện áp lên cao nó sẽ kéo xuống, ngược lại nơi nào điện áp yếu, trạm bù sẽ bổ sung để điện áp luôn ổn định. Vững lòng, ông báo cáo lại Thủ tướng: “Anh an tâm, tôi lo nhất là vấn đề an ninh chứ không phải là an toàn. Anh đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề kỹ thuật, tôi đảm bảo”. Ông Kiệt quyết định và nói: “Cứ làm, nếu thất bại thì không đợi cách chức, tôi sẽ chủ động từ chức”.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra thực tế thi công đường dây 500 kV ở khu vực khó khăn, hiểm nguy

Ngày 29-3-1992, “Hội nghị Diên Hồng” về việc xây dựng đường dây 500 kV đã diễn ra. Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt nêu rõ: “Công trình đường dây siêu cao áp có tầm vóc to lớn cả về kinh tế, kỹ thuật và thời gian thi công. Hoàn thành công trình này sẽ tạo ra một bước phát triển mới về kinh tế cho cả nước. Với công trình này, cần khẩn trưởng chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhanh và hoàn thành các công trình nguồn điện như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Vĩnh Sơn, Sông Hinh, Thác Mơ, Tạ Bú, Yaly. Các ngành các cấp từ trung ương đến các tỉnh phải phối hợp đồng bộ, thực hiện khẩn trương, liên tục và dứt điểm các công việc”. Cũng trong hội nghị này, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã nêu cao quyết tâm: “Việc xây dựng công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm và làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân”. 

Với tinh thần nhìn thẳng, nói thật của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Ai ủng hộ thì đứng vào hàng ngũ, ai không ủng hộ thì đứng ra một bên”, ngày 5-4-1992, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công công trình. Đó như là “thời khắc nổ phát súng lệnh cho “đội quân ngành năng lượng” tiến vào cuộc chinh phục kỳ vĩ này”. Ngày này đã trở thành mốc son trong lịch sử ngành điện nói riêng, ngành năng lượng nói chung.

(Đón đọc bài 2: Hệ thống truyền tải điện 500kVNiềm tin, ý chí, sáng tạo và cuộc chạy đua thời gian, phát hành trên báo in Báo Pháp Luật TP.HCM và plo.vn vào sáng ngày 7-6).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm