LTS: Vụ cháu bé sáu tuổi bị giết hại bởi một bảo vệ dân phố nghi mắc bệnh tâm thần một lần nữa xoáy sâu vào câu hỏi nhạy cảm: Chăm sóc và giám sát người bệnh tâm thần ra sao để tránh trường hợp họ có thể gây nguy hiểm cho xã hội?
Năm 2015, thế giới từng bàng hoàng với vụ tai nạn máy bay Germanwings thuộc hãng hàng không Lufthansa khiến tất cả 150 người thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này sau đó được xác định là do cơ phó Andreas Lubitz đã cố tình khóa cửa buồng lái, rồi lái chiếc máy bay đâm thẳng vào ngọn núi ở dãy Alps của Pháp. Điều đáng nói là cơ phó này từng có một “giai đoạn bị trầm cảm nghiêm trọng” và đã được điều trị tại bệnh viện tâm thần trước ngày xảy ra thảm kịch.
Những thảm kịch chấn động
Trong thảm kịch nói trên, các công tố viên Đức đã tìm thấy bằng chứng cho thấy cơ phó Lubitz có vấn đề về thị lực và anh đã cảm thấy áp lực trầm trọng về vấn đề này. Cơ phó Lubitz thậm chí còn nghiên cứu sẵn các phương pháp tự tử có thể thực hiện. Báo cáo cũng nói rằng Lubitz biết rằng mình sẽ bị đuổi việc nếu các kết quả kiểm tra giám định tâm thần bị tiết lộ.
Hàng loạt hung thủ giết người khác ở Mỹ cũng được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần sau khi đã gây nên thảm kịch cho xã hội. Hồi đầu tháng 11, Devin Patrick Kelley đã tự sát sau khi dùng súng trường tấn công một nhà thờ ở bang Texas, Mỹ khiến 26 người chết và 20 người khác bị thương. Theo báo cáo của cảnh sát, Kelley từng trốn khỏi bệnh viện tâm thần vào năm 2012, sau đó bị kết án vì tấn công vợ và con trai. Kẻ này được trao trả về cho bệnh viện tâm thần sau khi ra tù để rồi sau đó gây nên thảm kịch ở Texas.
Vụ thảm sát tại nhà thờ ở bang Texas ngày 5-11 làm ít nhất 26 người thiệt mạng là một trong năm cuộc nổ súng đẫm máu nhất tại Mỹ từ đầu thế kỷ 20. Ảnh: AP
Trước đó, sát thủ khét tiếng bang Arizona Jared Lee Loughner, kẻ đã giết sáu người và làm bị thương 13 người, trong đó có nghị sĩ Mỹ Gabrielle Giffords vào năm 2011, cũng được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng.
Nước Ý hồi năm 2014 cũng từng sốc với vụ việc “nữ y tá tử thần” Daniela Poggiali, 42 tuổi đã âm thầm tiêm thuốc độc giết 96 bệnh nhân trong khoảng thời gian 2013-2014, sau đó còn chụp ảnh “vui vẻ” với các tử thi này. Các chẩn đoán của nhóm điều tra cho thấy Poggiali có vấn đề về tâm thần. Bản thân nữ hộ lý này cũng thừa nhận mình giết người là do không thể chịu được các bệnh nhân “làm phiền” trong đầu.
Sau thảm kịch máy bay Germawings, ngành hàng không thế giới cũng lập tức đề xuất những thay đổi. Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) đã yêu cầu các nước thành viên phải tăng cường kiểm tra sức khỏe của các phi công. Theo đó, tất cả phi công buộc phải trải qua các đợt kiểm tra, đánh giá sức khỏe cả về thể chất định kỳ, đặc biệt siết chặt kiểm tra các vấn đề liên quan tới tâm lý và thần kinh.
Các nước vẫn loay hoay
Các chuyên gia cũng khẳng định những trường hợp phạm tội do bị bệnh tâm thần chỉ là một phần cá biệt, bởi phần lớn số bệnh nhân được chẩn đoán bệnh tâm thần lại không hề có hành vi bạo lực, đặc biệt là nếu họ nhận được sự hỗ trợ của xã hội và được điều trị đúng cách. “Những lời đổ lỗi cho sức khỏe tâm thần sau những vụ xả súng hàng loạt còn tệ hơn là đạo đức giả. Họ đang sai lầm và kỳ thị đối với hàng triệu người Mỹ không hề có hành vi bạo lực dù đang mắc các vấn đề tâm thần trầm trọng” - Dylan Matthews của tạp chí Vox nhận định.
Khó ai ngờ rằng cơ phó Andreas Lubitz gặp vấn đề về tâm thần. Năm 2015, Lubitz lái chiếc máy bay chở 150 người đâm vào núi Alps khiến mọi người thiệt mạng. Ảnh: AP
“Nữ y tá tử thần” Daniela Poggiali thừa nhận mình giết 96 bệnh nhân do bị họ “làm phiền” trong đầu. Ảnh: AFP
Chính phủ Mỹ cũng được cho là đang đau đầu với những chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người bệnh. Hạt Miami-Dade của tiểu bang Florida được xem là một trong những khu vực ở Mỹ có tỉ lệ người mắc bệnh tâm thần nặng nhất. Tuy nhiên, Florida lại đứng thứ 48 trong ngân sách nhà nước dành cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng. Những bệnh nhân tâm thần nhưng không có tiền điều trị, chỉ được chăm sóc khi họ có thể đã gây ra những hành động làm tổn hại đến bản thân hoặc cộng đồng.
Tại Singapore, một chương trình quốc gia về chăm sóc, hỗ trợ cho những trẻ em có cha mẹ bị bệnh tâm thần mang tên “Dự án Hoa lan” đã được triển khai thí điểm từ năm 2016. Tuy nhiên, trong số 20 gia đình được giới thiệu tham gia có đến tám gia đình từ chối. Giải thích những khó khăn này, nhà điều phối dự án Tan Yi Ying cho rằng chính sự kỳ thị xã hội đã khiến bệnh nhân tâm thần cảm thấy e ngại nếu tìm đến sự giúp đỡ của các tổ chức cộng đồng. “Một số phụ huynh cảm thấy e ngại khi cho con mình biết về dấu hiệu bệnh tâm thần của chính họ. Những người mắc bệnh lo ngại điều này có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của mình với con cái” - bà Tan nhận định.
Theo một nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của Singapore năm 2010, có khoảng 1/8 dân số Singapore đang gặp vấn đề tâm thần. Điều đáng nói là phần lớn trường hợp này người mắc bệnh là cha mẹ. “Nếu chúng ta không tiếp cận với con cái của những người này, những đứa trẻ sẽ phải chịu đựng trong im lặng. Vì vậy, Project Orchid cũng giúp đỡ cho những đứa trẻ có nhu cầu” - bà Samantha Lim, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ gia đình xã hội Singapore, cho biết.
“Đừng đổ lỗi cho tâm thần” Mặc dù suốt nhiều thập niên, nhiều kẻ sát nhân gây nên các vụ giết người chấn động thế giới được chẩn đoán là có vấn đề về tâm thần nhưng các chuyên gia cho rằng mối liên hệ giữa giết người và bệnh tâm thần chưa bao giờ rõ ràng. Theo Trung tâm Thống kê y tế Quốc gia Mỹ, chưa đến 5% trong số 120.000 vụ giết người liên quan đến súng ở Mỹ từ năm 2001 đến 2010 là do những người được chẩn đoán bị bệnh tâm thần gây ra. Nghiên cứu của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ còn chỉ ra rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần thậm chí có nhiều nguy cơ là nạn nhân hơn là thủ phạm trong các vụ bạo lực, cụ thể là cao gấp 10 lần người bình thường. “Nếu chúng ta có thể điều trị triệt để bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm nặng thì thật là tuyệt vời. Nhưng tội phạm bạo lực sẽ chỉ giảm khoảng 4%” - ông Jeffrey Swanson, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại ĐH Duke, khẳng định với ProPublica. “Bệnh nhân tâm thần cũng là con người và đại đa số họ không hề có nguy cơ phạm tội cao hơn những người bình thường khác”. |