Đừng để dân sống trong hoang mang

Theo khoản 1 Điều 66 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 thì người bị bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác theo quy định của pháp luật phải áp dụng hình thức bắt buộc chữa bệnh.

Luật này chỉ đề cập vỏn vẹn như thế và từ đó đến nay không có một nghị định hay quy định nào khác hướng dẫn rằng ai, ngành nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cầm trịch đưa người tâm thần đi chữa bệnh (công an, y tế hay lao động thương binh xã hội); kinh phí chữa bệnh lấy từ đâu; chế tài ra sao nếu không thực hiện?

Chính vì thế, việc chữa bệnh bắt buộc cho người tâm thần trên thực tế chỉ được áp dụng từ giai đoạn điều tra theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi đã có hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật hình sự (theo Nghị định 64/2011 về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần).

Do đó, dù nhìn thấy trước hậu quả do hành vi nguy hiểm của người tâm thần gây ra nhưng pháp luật hiện hành đang thiếu hẳn quy định về phòng ngừa người bệnh tâm thần gây án, ngăn ngừa hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Bệnh tâm thần (với hơn 300 danh mục bệnh) có đặc điểm khác biệt so với các bệnh khác là không phải chữa trị ngày một ngày hai mà có những loại bệnh tâm thần phải chữa trị suốt đời, chỉ cần ngưng thuốc một thời gian thì bệnh sẽ tái phát và người bệnh có những hành xử không lường trước được. Chính vì điều đó mà có những người tâm thần vẫn sinh hoạt bình thường trong cộng đồng nhưng rồi bột phát có những hành vi nguy hiểm không ngờ. Nhiều án mạng đau lòng xảy ra từ đó.

Rất nhiều người như cụ bà Dương thị Xuân, 82 tuổi đang phải sống trong sợ hãi đang mong chờ một quyết sách của Nhà nước là làm sao đưa hết những người tâm thần đang sống ngoài cộng đồng đi chữa bệnh bắt buộc để cuộc sống của mình được an toàn. Và bởi nghĩ cho cùng, họ cũng là những bệnh nhân đáng thương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm