Kết quả của những ngày thảo luận, tranh luận sẽ được phản ánh một cách thực chất trong các văn bản sẽ được thông qua.
Có không ít chính sách, như chính sách hình sự hóa việc luật sư không tố giác thân chủ, đã được tranh luận hết sức sôi nổi ở trên nghị trường và cả trong xã hội, sẽ chính thức được quyết định trong một vài ngày nữa.
Các vị đại biểu (ĐB) QH quyết định như thế nào, chính sách, pháp luật của nước nhà sẽ là như thế ấy. Tuy nhiên, thông qua một chính sách để biến nó thành pháp luật của đất nước là một chuyện, bảo đảm chính sách đó là đúng đắn, là sự phản ánh của công lý và ý nguyện của nhân dân lại là một chuyện khác. Chính vì vậy, trách nhiệm của các vị ĐBQH với biểu quyết của mình là rất lớn ở đây. Bởi vì rằng sau kỳ họp, các vị ĐBQH sẽ phải giải trình với cử tri về các quyết định của mình. Cụ thể, các vị ĐBQH sẽ phải giải thích cho cử tri thấy được rằng họ đã quyết định như vậy là vì lợi ích của quốc gia, vì lợi ích của nhân dân cả nước và vì lợi ích của cử tri.
Với trình độ dân trí đang ngày càng được nâng cao, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, truyền thông, của mạng xã hội, giải trình cho cử tri càng không phải dễ dàng. Chính vì vậy khi bấm nút thông qua một dự luật nào đó, các vị ĐB cũng cần giải trình trước được cho chính mình, cho chính lương tâm của mình.
Ở nghị viện nhiều nước trên thế giới, gần như người ta bao giờ cũng biết trước một dự luật sẽ được thông qua hay sẽ không được thông qua. Điều này đạt được là nhờ các nghị sĩ thường bày tỏ rất rõ ràng chính kiến của mình đối với chính sách lập pháp được đưa ra trong dự luật. Và họ cũng chỉ quan tâm đến chính sách lập pháp đó hơn là câu chữ và cách thức hành văn. Quan trọng hơn họ bao giờ cũng có đầy đủ lập luận để giải trình tại sao họ thông qua hoặc không thông qua một dự luật. Nhiều khi quan trọng chưa hẳn là thông qua hay không thông qua mà là giải trình được hay không giải trình được.
Ở ta, với cách biểu quyết như hiện nay, cử tri khó lòng biết được vị ĐBQH nào đã bỏ phiếu ủng hộ hoặc bỏ phiếu phản đối một chính sách nào đó. Điều này làm cho trách nhiệm giải trình càng quan trọng hơn. Suy cho cùng, dân chủ không nằm ở các quyền năng to lớn của các vị ĐBQH mà ở chế độ trách nhiệm của các vị ĐBQH trước cử tri.