Cuối giờ chiều ngày 25-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 24-5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015, vẫn còn 24 ý kiến chưa được phát biểu.
“Vì thế, một hội nghị để các đại biểu tiếp tục phát biểu và tranh luận về dự án luật này sẽ được tổ chức ngày 27-5, dù theo chương trình thì Quốc hội không làm việc”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết phiếu đăng ký Hội nghị về dự án luật sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 đã được gửi tới đại biểu. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ông Phúc giải thích rằng, sở dĩ gọi đó là “hội nghị” là bởi vì hoạt động này phát sinh do điều kiện khách quan và đề nghị của đại biểu. Mặt khác, hoạt động này không nằm trong chương trình của kỳ họp, nên phải gọi đó là hội nghị.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói phiếu đăng ký đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Trước đó, ngày 24-5, trong phiên thảo luận tại hội trường, luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu của TP.HCM đã bày tỏ sự lo ngại khi đây là dự án luật rất quan trọng nhưng các đại biểu không có thời gian tiếp cận nhiều.
Theo luật sư Trương Trọng Nghĩa, một số đại biểu Quốc hội đã được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, đã có thực tiễn lập pháp hoặc hành nghề hàng chục năm, cùng tham gia sửa đổi, bổ sung dự luật tại Quốc hội khóa XIII mà còn thấy chới với, không đủ thời gian. Huống gì những đại biểu Quốc hội khóa XIV mới chỉ tiếp xúc dự thảo luật có một vài lần.
“Tôi đề nghị dành ít nhất một ngày để thảo luận tổ trong tuần thứ ba của kỳ họp, dành một ngày thứ Bảy để thảo luận tại hội trường trước khi bấm nút thông qua”, đại biểu Nghĩa nói tại hội trường ngày 24-5.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi tranh luận tại hội trường về quy định buộc luật sư tố giác tội phạm ngày 24-5. Ảnh: CHÂN LUẬN
Cũng trong ngày 24-5, Luật sư Trương Trọng Nghĩa và đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên chuyên trách của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã có cuộc tranh luận "nảy lửa" về quy định buộc luật sư tố giác tội phạm như được quy định tại điều 19 của dự luật.
Trao đổi với phóng viên ngày 25-5, Chủ nhiệm UB Pháp Luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho hay: việc dành thêm thời gian để các đại biểu tiếp tục thảo luận, góp ý nhằm hoàn thiện dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 là rất cần thiết.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay ông sẽ tham dự hội nghị này và tiếp tục tranh luận về quy định buộc luật sư tố giác tội phạm.
“Đây là vấn đề liên quan đến nguyên tắc suy đoán vô tội, đến quyền được bào chữa của bị can, bị cáo, đến chế định luật sư trong hệ thống tố tụng”, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.