Bàn cách để Hà Nội có thêm không gian sáng tạo

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng không gian sáng tạo phải được làm một cách quy mô, nếu không chúng ta sẽ rơi vào những sáng tạo mang tính chất lặt vặt.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Ngày 7-11, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm Truyền thống - Văn hiến - Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại.

Tại toạ đàm, TS Nguyễn Quang, kiến trúc sư, nhà quy hoạch và quản lý đô thị cho rằng văn hoá phải tôn trọng sự đa dạng về mặt văn hoá, tự do sáng tạo.

Từ đó, ông đặt vấn đề: “Khi chúng ta nói về văn hoá sáng tạo chúng ta phải hỏi thế hệ của chúng ta ngày hôm nay đóng góp gì vào trong sự đổi mới sáng tạo để tạo sự thay đổi, hay chúng ta chỉ quay lại sao chép của các cụ và chúng ta gọi đó là bảo tồn, đó là phát triển. Phát triển không phải như vậy".

Theo TS Nguyễn Quang, để làm văn hoá, chúng ta cần sự hội tụ, cần sự kết nối, bởi vì chính những không gian công cộng đó chính là tạo ra sự sáng tạo, tạo ra sự kết nối giữa con người với nhau.

Lấy dẫn chứng từ những quán cà phê ở Châu Âu ngày xưa, TS Quang cho biết đó là nơi các triết gia ngồi với nhau để từ đó mà ra đời những trào lưu ánh sáng, những trào lưu mới. Chính không gian đó là không gian sáng tạo.

TS Nguyễn Quang đề xuất không gian sáng tạo phải được làm một cách quy mô, nếu không chúng ta sẽ rơi vào những sáng tạo mang tính chất lặt vặt, quay đi quẩn lại chúng ta tự sướng với những thay đổi của chúng ta.

Thạc sĩ Phạm Minh Quân, Giảng viên Khoa Nghệ thuật và Thiết kế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa đã có đưa ra một vài đánh giá về người trẻ trong không gian sáng tạo.

không gian sáng tạo
Các chuyên gia thảo luận tại toạ đàm.

Theo Thạc sĩ Minh Quân, chúng ta cho rằng với thế hệ trẻ ngày nay tuy nhận thức về truyền thống có thể mờ nhạt nhưng nếu chúng ta đánh thức thế hệ trẻ sẽ tạo ra những diễn ngôn mới, hơi thở đương đại mới cho những yếu tố về truyền thống và lịch sử và chính nó sẽ là yếu tố để khẳng định sự tồn tại của văn hoá Việt cũng như văn hoá Thủ đô.

Giáo sư, Viện sĩ, Họa sĩ Ngô Xuân Bính thì nêu thực tế ở Hà Nội có hàng chục khu đô thị nhưng không phải ở đâu cũng có không gian văn hoá.

‘Tôi đi xung quanh Hà Nội mà thấy vỉa hè cứ đào đi đào lại. Từ đó tôi đặt vấn đề chúng ta phải có chính sách, cán bộ thực sự. Hãy dồn nguồn lực vào việc cụ thể, đó là không gian văn hoá” - GS Ngô Xuân Bính nêu quan điểm.

Tại toạ đàm, các diễn giả cũng chỉ ra rằng không gian sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô.

Cùng với đó là những thách thức đối với Bảo tàng Hà Nội để tăng cường sức hấp dẫn của các hoạt động sáng tạo và thu hút nhiều đối tượng khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ.

Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, sáng ngày 10-11-2024 sẽ diễn ra Triển lãm gốm nghệ thuật Hiện Linh của GS.Viện sĩ, Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.

Triển lãm giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của Giáo sư, Viện sĩ, Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính với những cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam.

Đây được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm