Trong tình hình dịch bệnh Corona, khẩu trang y tế tại các hiệu thuốc trở nên khan hiếm. Lợi dụng tình hình này, trên Facebook đã xuất hiện các tài khoản rao chuyên mua bán khẩu trang y tế chất lượng cao để lừa đảo người dân.
Quảng cáo một đằng hàng một nẻo
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM vào sáng 5-2, chị NTH (ngụ Bình Dương) không khỏi bức xúc khi xuýt mất gần 500.000 đồng để mua ba hộp khẩu trang loại hai lớp, kém chất lượng.
Chị H. cho biết do lo sợ trước tình hình dịch Corona và các cửa hàng thuốc gần nhà lại cháy hàng khẩu trang y tế nên chị H. chọn cách đặt mua khẩu trang qua Facebook.
Theo đó, chị tìm được một trang chuyên bán khẩu trang y tế mang tên “Khẩu trang y tế siêu lọc 3M”.
Qua các hình ảnh và lời quảng cáo về chất lượng của khẩu trang trên trang Facebook này, chị H. đã quyết định đặt mua ba hộp khẩu trang 3M với mức giá 149.000 đồng/hộp, mỗi hộp có năm cái khẩu trang cao cấp.
Đến ngày giao hàng, chị H. đã choáng váng khi mở hộp hàng giao là một hộp khẩu trang to, bên trong là 15 cái khẩu trang y tế loại rẻ tiền nhất.
Quá bức xúc, chị H. gọi điện thoại đến nơi bán hàng để hỏi rõ nhưng tất cả cuộc gọi đều không liên lạc được, trang Facebook bán hàng cũng đã chặn Facebook của chị H.
Nhận không được mà trả cũng chẳng xong, chị H. đành cố giải thích để nhân viên giao hàng của bưu điện hiểu là hàng được giao không đúng chất lượng nhằm được trả lại hàng. May mắn, nhân viên giao hàng đã đồng ý cho chị trả lại hàng và không phải thanh toán tiền.
Cũng trong ngày 5-2, nhiều tài khoản Facebook cá nhân đã đồng loạt chia sẻ các thông tin khi rơi vào chiêu trò lừa mua khẩu trang y tế của fanpage Facebook tên: “Khẩu trang 3M VogMark Việt Nam”.
Cụ thể, trang Facebook trên rao bán 30 cái khẩu trang loại 3M 9001v với giá 360.000 đồng. Lấy cớ khẩu trang y tế đang cháy hàng, bên bán yêu cầu người mua phải chuyển tiền trước vào tài khoản của người bán, tài khoản ngân hàng được mở tại Hà Nội.
Sau khi nhận hàng, nhiều người mua mới tá hỏa khi hàng được giao không phải là khẩu trang 3M 9001v mà lại là những chiếc lá khô. Nhiều trường hợp khác, người mua bỏ ra 360.000 đồng mua một hộp khẩu trang nhưng chỉ nhận được những chiếc khẩu trang vải với giá vài chục ngàn đồng.
Lừa bán khẩu trang, chiếm đoạt 60 triệu đồng.
Trao đổi cùng phóng viên Pháp Luật TP.HCM, Công an tỉnh Nghệ An cho biết vào ngày 5-2 Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Hồ Thị Thùy (24 tuổi, ngụ Nghệ An) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, Công an tỉnh Hòa Bình đã nhận được đơn trình báo của người dân về tình trạng Hồ Thị Thùy lừa bán khẩu trang qua Facebook.
Hồ Thị Thùy cùng tang vật bị bắt giữ và số tiền bất chính thu được. Ảnh: Cơ quan Công an Nghệ An cung cấp.
Ngày 4-2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An bắt khẩn cấp Thùy. Công an thu giữ tang vật một điện thoại iPhone 6 dùng để vào Facebook, một điện thoại Nokia, ba thẻ ATM ngân hàng và một số tiền mặt. Đến thời điểm bị bắt, Thùy đã thu lợi trên 60 triệu đồng từ chiêu trò lừa bán khẩu trang.
Bước đầu điều tra, Thùy khai nhận lợi dụng tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế trong dịch Corona, Thùy đã nảy sinh ý định lừa bán khẩu trang trên mạng xã hội để kiếm tiền tiêu xài.
Cụ thể, sau khi Thùy đăng tải, nhiều người vào liên hệ mua khẩu trang y tế đề phòng dịch Corona. Thùy cam đoan có hàng và yêu cầu người mua chuyển tiền trước cho mình qua tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận nhiều đơn hàng khẩu trang và tiền đặt cọc, tiền thanh toán trước, Thùy chặn Facebook của khách hàng rồi khóa Facebook Thùy Phương.
Đến ngày 6-2, Hồ Thị Thùy được đưa từ Nghệ An lên Hòa Bình và được Công an tỉnh Hòa Bình tạm giữ hình sự để tiếp tục điều tra.
Lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, phạt đến 15 năm tù Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, các đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý lo sợ trước dịch Corona của người dân để giở các chiêu trò lừa đảo người mua hàng. Cụ thể, các hành vi như giao hàng không đúng với mẫu mã, chủng loại đã được khách hàng đặt mua, nhận tiền nhưng không giao hàng… tất cả chiêu thức trên đều thể hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm lấy tài sản. Các hành vi này cần được lên án và xử lý nghiêm. Đối với cá nhân thực hiện hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, với giá trị tài sản bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng và chưa đủ các yếu tố cấu thành hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt tiền 1-2 triệu đồng theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013. Về hình sự, cá nhân dùng thủ đoạn chiếm đoạt 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng, những người vi phạm đã từng bị xử lý về hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc đã từng bị kết án chưa được xóa án tích mà tiếp tục vi phạm về tội này hay các tội xâm phạm quyền sở hữu, hoặc hành vi vi phạm gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017. Mức phạt đối với hành vi trên là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mặt khác, theo điểm c khoản 3 của Điều 174, người phạm tội lợi dụng tình trạng thiên tai, dịch bệnh để chiếm đạt tài sản thì bị phạt tù 7-15 năm tù. Người phạm tội còn bị xử phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |