Cảnh giác với chiêu mua hàng thật, chuyển khoản ảo

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh đến Pháp Luật TP.HCMvề việc bị sập bẫy chiêu mua hàng rồi trả tiền bằng cách chuyển khoản ảo để chiếm đoạt tài sản của người khác.

Lấy lý do không có tiền mặt để lừa đảo

Anh Nguyễn Quốc Thành ở đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP.HCM vừa là nạn nhân của chiêu lừa trên.

Anh Thành cho biết do anh có một chiếc iPad không dùng nên muốn bán lại và đã rao bán trên một trang mạng để tìm người mua. Vừa đăng xong thì có người liên hệ và hẹn đến nhà gặp để xem máy.

“Tối 23-5, có hai thanh niên đến xem máy và đồng ý mua iPad với giá 12,5 triệu đồng. Sau khi nhận máy, hai thanh niên nói hiện tại không có tiền mặt nên bảo tôi cho số tài khoản ngân hàng (NH) để họ chuyển vào.

Tôi chờ họ chuyển hồi lâu nhưng không thấy tin nhắn NH báo đã nhận tiền. Để tạo lòng tin, họ còn bấm số gọi tổng đài hỏi, còn bật loa lớn cho tôi nghe. Đầu dây bên kia trả lời do cuối tuần NH không làm việc, thứ Hai tiền sẽ vào. Sau đó, hai người này còn chụp tin nhắn chuyển khoản của họ cho tôi xem. Tưởng thật nên tôi đã giao máy và cho hai người này về.

Tôi chờ đến ngày 26-5 vẫn chưa thấy tiền vào tài khoản của mình, gọi điện thoại lại hai người mua thì không liên lạc được. Lúc này tôi mới biết mình đã bị lừa nên trình báo Công an phường 16” - anh Thành nói.

Tương tự, anh Nguyễn Ti làm nghề cầm đồ ở quận 1, TP.HCM cho biết mới đây anh cũng bị dính vào chiêu lừa chuyển tiền ảo này.

Theo anh Nguyễn Ti, cách đây không lâu, có một thanh niên đến cửa hàng anh để cầm chiếc xe máy. Đến ngày hẹn lấy xe ra, người này đến và lấy cớ không có tiền mặt trả tiền lãi, bảo anh cung cấp tài khoản NH để chuyển tiền. Người này cũng làm thủ tục chuyển mà tôi không thấy tiền vào tài khoản.

Sau đó, người này giả vờ gọi tổng đài, rồi báo lại do ngày nghỉ nên NH không làm việc và chuyển khoản khác NH nên hơi lâu. Nghĩ rằng tiền chắc đã chuyển, anh đã cho thanh niên này lấy xe về. Đến hôm sau, chờ mãi không thấy tiền vào tài khoản, anh mới biết mình đã bị lừa.

Hai người đến nhà anh Thành để mua hàng.

Camera nhà anh Thành ghi lại được biển số xe của hai người lừa mua hàng. (Ảnh chụp lại từ camera)

Nhận được tiền mới giao hàng

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, đại diện Công an phường 16, quận Gò Vấp xác nhận anh Nguyễn Quốc Thành có đến trình báo vụ việc anh bị hai người lừa mua hàng của anh rồi chuyển khoản ảo.

Tuy nhiên, anh chỉ cung cấp hình ảnh của hai người ngồi nói chuyện thông qua camera, không cung cấp được chứng từ chứng minh có giao dịch mua bán cũng như thông tin của hai người mà anh cho là lừa anh. Vì thế, công an phường chỉ ghi nhận vụ việc trình báo của anh. Anh Thành cần có thêm những chứng từ trên để công an phường xử lý theo quy định.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, phân tích về thể thức chuyển khoản NH được hiểu như sau: Khi một khách hàng dùng tài khoản NH của mình chuyển khoản cho một tài khoản khác không cùng NH thì tất cả giao dịch đó đều thông qua cổng thanh toán. Cổng thanh toán này sẽ được liên kết với NH Nhà nước. Tất cả NH sẽ được thanh toán bù trừ cho nhau mà không cần phải có các giao dịch viên của các NH kiểm tra tại thời điểm thanh toán.

Thông thường, việc chuyển khoản giữa các NH được thực hiện ngay tức thì hoặc chỉ mất không quá một ngày. Để tránh các trường hợp bị lừa tương tự, người bán (tức người nhận tiền) nên chờ đến khi nhận được tin nhắn thông báo tài khoản của mình được cộng tiền vào thì mới giao hàng cho người mua.

Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Ngày 4-5, Bộ Công an đã có cảnh báo thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những người bán hàng online.

Cụ thể, các đối tượng đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài, mua hàng online với số lượng lớn từ những người kinh doanh trong nước và gợi ý chuyển tiền trả trước thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.

Để tạo niềm tin, các đối tượng sẽ giả lập một hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ Western Union, chụp ảnh hóa đơn, chứng từ rồi gửi tin nhắn hình ảnh cho bị hại.

Tiếp đó, các đối tượng gửi một tin nhắn đường link giả mạo website Western Union, dẫn dắt các bị hại tiến hành các bước đăng nhập vào đường link này.

Khi bị hại nhấp vào đường link trong tin nhắn sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có hiển thị giống website chính thức của Western Union. Các bị hại sẽ phải khai báo những thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ NH...

Để có thể rút tiền từ tài khoản của bị hại, các đối tượng sẽ phải có mã OTP, chúng sẽ giả mạo tin nhắn của Western Union với nội dung: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống Ibanking với số tiền nhận là xxx triệu đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch”.

Đồng thời, trên trang web giả mạo cũng hiện lên dòng chữ “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền”.

Khi bị hại điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo, đồng nghĩa với việc giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng đã trót lọt.

TUYẾN PHAN 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…