Có lo bị nhiễm bệnh khi đo nồng độ cồn?

Chiều 6-1, Phòng PC08, Công an TP.HCM đã tổ chức buổi thông báo kết quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP trong năm 2019 và phương hướng hoạt động năm 2020.

Tại đây, nội dung nóng nhất hội trường chính là thông tin về việc thực hiện Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

TP.HCM không bị động khi triển khai Nghị định 100

Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08, cho biết Nghị định 100 đã được phòng triển khai ngay lúc 0 giờ ngày 1-1-2020, sau khi màn bắn pháo hoa vừa kết thúc. Trong đó việc kiểm tra nồng độ cồn được thực hiện đầu tiên.

Theo Thượng tá Phong, Nghị định 100 có một số điểm mới so với Nghị định 46. Cụ thể, một số hành vi vi phạm có mức phạt cao hơn trước đây, như vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành tín hiệu giao thông, đeo tai nghe khi lái xe, đi không đúng phần đường… Riêng hành vi vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100 đã nâng thời hạn tước quyền sử dụng bằng lái lên rất dài, cao nhất là 22-24 tháng, là điều mà giới tài xế đặc biệt quan tâm.

“Chúng tôi không hề bỡ ngỡ mà rất chủ động” - Thượng tá Phong nói.

Nhiều năm trước, lực lượng Công an TP đã triển khai xử phạt vi phạm nồng độ cồn và lấy nó làm chuyên đề nòng cốt trong năm 2019. Trong quá trình xử lý, lực lượng cũng tổ chức tuyên truyền cho người dân với quan niệm không chỉ nhằm xử phạt mà muốn người dân có nhận thức, điều chỉnh, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, không để xảy ra tai nạn giao thông.

“Chúng tôi xử lý vi phạm nồng độ cồn theo biện pháp hai trong một gồm xử phạt và tuyên truyền. Vì thế hầu hết 200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 đều chấp hành, không gặp sự trở ngại gì” - Thượng tá Phong nhấn mạnh.

Trưởng Phòng PC08 thông tin thêm rằng việc xử phạt này không phải cấm người dân uống rượu, bia mà là cấm người dân khi đã uống rượu, bia thì không được lái xe.

Công an TP.HCM khẳng định không có tiêu cực trong xử phạt theo Nghị định 100. Ảnh: TỰ SANG

CSGT cũng cam kết không uống rượu, bia

Thượng tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng PC08, cho biết ngoài mức phạt tăng cao thì thời hạn ra quyết định xử phạt, chấp hành quyết định xử phạt và các vấn đề liên quan của Nghị định 100 là không thay đổi so với Nghị định 46. CSGT vẫn thực hiện bình thường và đúng quy định pháp luật.

Ông cũng cho biết thêm thời gian tới Phòng PC08 sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị định 100 để xem có vướng mắc, khó khăn gì không. Đặc biệt là nếu người dân cần thông tin gì, Phòng PC08 cam kết sẽ chia sẻ mọi thông tin về nghị định này.

Ngoài ra, liên quan đến băn khoăn về việc CSGT TP lợi dụng mức phạt cao để tiêu cực, Thượng tá Huỳnh Trung Phong khẳng định ông đã tổ chức quán triệt đến 100% CSGT về tinh thần trách nhiệm trong việc tác nghiệp. “Trong quá trình xử lý vi phạm, chúng tôi không thực hiện độc lập mà có sự phối hợp giữa các lực lượng gồm cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự, tổ 363 công an xã/phường/thị trấn để cùng tham gia làm nhiệm vụ” - Thượng tá Phong nói.

Ông nhấn mạnh: “CSGT rất nghiêm túc, không để xảy ra bất kỳ vi phạm nào đối với cán bộ, chiến sĩ khi xử lý các trường hợp vi phạm để tạo được tính răn đe và tuân thủ pháp luật… Đồng thời chúng tôi cũng quán triệt đối với các cán bộ, chiến sĩ là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển các phương tiện lưu thông và sẽ xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm”.

1.518 trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã được CSGT xử lý sau năm ngày thực hiện Nghị định 100/2019. Một số địa phương có kết quả xử lý cao như Tây Ninh, Bắc Giang, Đắk Lắk, TP Hà Nội và TP.HCM…

Đo nồng độ cồn, không lo mất vệ sinh

Khẳng định về độ chính xác của thiết bị đo nồng độ cồn, Thượng tá Huỳnh Trung Phong cho biết thiết bị thổi và ống thổi đều được kiểm định an toàn, đảm bảo cơ bản chuẩn về chỉ số và thông tin khi được thực hiện.

Riêng ống thổi, người dân không phải lo lắng về việc lây nhiễm đối với các ống thổi. Mỗi người đều được thực hiện bởi một ống thổi, sau khi sử dụng xong cho một người thì sẽ bỏ. Ngoài ra, Phòng PC08 cũng áp dụng xác định nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Với phương pháp này thì chỉ cần người dân trả lời một, hai câu hỏi trong vòng 3-5 giây là đã cho kết quả. Các trường hợp không chấp hành đo nồng độ cồn thì sẽ áp dụng mức phạt cao nhất, đối với cả ô tô và xe máy.

Khuyến cáo người dân không đeo tai nghe khi lái xe

Có lo bị nhiễm bệnh khi đo nồng độ cồn? ảnh 2
Thượng tá HUỲNH TRUNG PHONG

Thời gian qua, qua điều tra cơ bản, chúng tôi đã thấy một số tài xế chạy Grab, người đi xe máy có sử dụng tai nghe. Trong năm 2019, từ tháng 9 đến tháng 10, CSGT TP đã đồng loạt tổ chức ra quân, dùng 15 ngày để tuyên truyền cho người dân có sự điều chỉnh, sau đó mới tiến hành xử phạt. Kết quả trên địa bàn TP đã có một số người dân nắm thông tin và có sự điều chỉnh phù hợp.

Vì đây là hành vi có mức phạt cao so với Nghị định 46 nên thời gian tới, song song với việc xử lý thì chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân biết rõ thông tin.

Quan điểm của Phòng CSGT là với mật độ dân số đông và tình hình diễn biến phức tạp khi tham gia giao thông thì việc lái xe mà sử dụng các thiết bị điện tử khác chắc chắn sẽ làm xao lãng, ảnh hưởng tinh thần và quá trình lái xe. Do vậy chúng tôi khuyến cáo người dân cần tránh thực hiện hoạt động gây xao lãng đến việc lái xe, để khi có sự cố bất ngờ thì có khả năng xử lý, không ảnh hưởng thương vong và gây thiệt hại cho người dân.

Thượng tá HUỲNH TRUNG PHONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm