Lợi, hại chuyện lên mạng đăng tìm trẻ lạc

Có nhiều trường hợp trẻ em bị đi lạc được người thân đăng lên mạng xã hội tìm kiếm. Tuy nhiên, sau đó thì lợi cũng có mà hại cũng không ít.

Cần cân nhắc kỹ khi lên mạng tìm con

Sáu tháng trước, chị T. đăng tin lên Facebook nhờ cộng đồng mạng tìm con trai chín tuổi đã tan học sau năm tiếng đồng hồ vẫn chưa về đến nhà. Kết quả sau đó đứa con trai về đến nhà sau khi đi chơi với một bạn cùng trường. Tuy nhiên, rất nhiều tháng sau đó cộng đồng mạng vẫn chia sẻ thông tin tìm kiếm con trai chị. Mặc dù chị đã đăng thông tin tìm được con trai nhưng thông tin nhờ tìm kiếm ban đầu cứ liên tục được chia sẻ, trong đó có cả số điện thoại của chị.

Người thì báo có thấy bé trai gần giống con chị ở Quảng Ngãi, người thì báo vừa thấy bé trai giống con chị đi qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh… Chị phải liên tục trả lời và cám ơn mọi người đã cất công tìm kiếm. “Rất mệt mỏi!” - chị T. than thở.

Khi trẻ con bị thất lạc, giải pháp mà nhiều bậc phụ huynh sử dụng là đưa thông tin của con lên các trang mạng xã hội và nhờ mọi người chia sẻ thông tin với mong muốn tìm được con nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, giải pháp này có thể sẽ tiềm ẩn những rắc rối, rủi ro mà bản thân chưa thể tiên lượng được.

Thông tin sau được chia sẻ không kiểm soát, trong khi môi trường mạng luôn tiềm ẩn rủi ro, có nhiều người tốt nhưng người xấu cũng không thiếu.

Nếu may mắn, các gia đình nhờ mạng xã hội đã tìm lại được con của mình. Có điều là sau khi tìm được rồi thì rất khó gỡ bỏ hết thông tin của con đã được chia sẻ rộng rãi trước đó. Đó là chưa kể chính những thông tin cá nhân của trẻ có thể bị kẻ xấu sử dụng vào mục đích bất hợp pháp.

Nhìn nhận một cách khách quan cũng không thể phủ nhận tác dụng của giải pháp dùng mạng xã hội để tìm con. Thế nhưng giữa cái được và rủi ro tiểm ẩn trong tương lai, các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ và chỉ sử dụng mạng xã hội khi không còn giải pháp nào khác.

Cha mẹ cần bình tĩnh, chọn giải pháp an toàn

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết trên thực tế mỗi trường hợp trẻ bị lạc, mất tích sẽ có những nguyên nhân và điều kiện, hoàn cảnh khác nhau.

Tùy vào tình huống thất lạc con cụ thể mà cha mẹ đưa ra hướng xử lý và liên hệ sự trợ giúp phù hợp.

“Điều đầu tiên khi có con trẻ bị lạc hoặc mất tích là các bậc phụ huynh cần cố gắng giữ bình tĩnh nhất có thể, tránh sự hoảng loạn. Cha mẹ cần nhanh chóng sử dụng điện thoại để định vị vị trí của con nếu trước đó có trang bị thiết bị định vị cho con, sau đó ngay lập tức khoanh vùng và tổ chức tìm kiếm trong phạm vi đó.

Nếu chúng ta hoàn toàn không có thông tin và việc tìm kiếm ban đầu không có kết quả thì cần liên hệ ngay với các cơ quan chức năng như công an, UBND xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự việc hoặc khu vực lân cận để đề nghị được hỗ trợ. Đây là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa bàn, nắm cơ sở, sâu sát nhất với tình hình thực tế của địa phương, giúp chúng ta phán đoán và kết nối mạng lưới hỗ trợ trong việc tìm kiếm nhanh và hiệu quả nhất. Cơ quan quản lý địa bàn sẽ có các biện pháp nghiệp vụ từ camera địa bàn hoặc kết nối nhiều thông tin khác để hỗ trợ tìm trẻ đi lạc.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể gửi thông tin đến các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình để được hỗ trợ đăng tin tìm kiếm” - ông Nghinh nói.

Theo ông Nghinh, khi cha mẹ báo cho cơ quan chức năng, cơ quan báo, đài thì họ sẽ có các quy định chặt chẽ về việc đăng kiểm soát thông tin của trẻ, cái gì nên thông tin, cái gì không nên thông tin và thông tin thế nào cho an toàn mà vẫn hiệu quả.

“Trên thực tế, trong quá trình công tác, chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp nhờ sự hỗ trợ của báo chí, truyền hình hoặc các cơ quan chức năng như công an, UBND mà những gia đình có con bị lạc hoặc mất tích đã tìm được con của mình. Điều đó cho thấy trước khi chúng ta nghĩ tới việc dùng mạng xã hội để tìm kiếm con em mình thì việc đầu tiên là phải liên hệ ngay với các cơ quan chức năng nơi xảy ra sự việc” - ông Nghinh nói.

Gọi 111 để được tư vấn, hỗ trợ

Trong trường hợp khẩn cấp, chưa biết liên hệ và xử lý thế nào, người dân có thể gọi điện qua số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em: số 111 (24/24 giờ) để được tư vấn, hỗ trợ.

Nếu tại TP.HCM, ngoài việc gọi tới số 111, người dân có thể gọi tới đường dây tư vấn 190054559 của Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP, hoặc số 18009069 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…