Cán bộ, công chức được từ chối tiếp dân khi nào?

Bạn đọc Lê Anh (TP.HCM)

Luật sư Nguyễn Văn Nhàn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Mục đích của việc tiếp công dân là hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc tiếp dân còn là để tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân.

Theo Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 quy định những trường hợp được từ chối tiếp công dân bao gồm:

- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân.

- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài.

- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, luật này cũng nghiêm cấm cán bộ, công chức khi tiếp công dân mà có các hành vi như gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân; làm mất hoặc làm sai lệch thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm