Đây là vụ án đã từng gây rúng động dư luận phố núi Pleiku trong một thời gian dài từ khi cơ quan công an vào cuộc.
Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Gia Lai CTC (gọi tắt là CTC) tiền thân là Công ty Văn hóa-Du lịch Gia Lai. Ngày 20-12-2004, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định cử Đinh Vạn Dũng làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại CTC.
Qua nhiều lần thay đổi, đến ngày 12-12-2014, CTC đăng ký thay đổi lần thứ 12, do Đinh Vạn Dũng làm chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Qua nhiều lần phát hành cổ phiếu tăng vốn, vốn điều lệ của CTC đến ngày 31-12-2014 là gần 88 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là hơn 15,525 tỉ đồng (tương đương 1.552.584 cổ phần, chiếm 17,64 % vốn điều lệ).
Để quản lý vốn nhà nước, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (gọi tắt là SCIC) đã cử Đinh Vạn Dũng làm người đại diện vốn nhà nước tại CTC.
Đến ngày 6-5-2016, SCIC bán hết phần vốn Nhà nước tại CTC. Tháng 6-2016, Đinh Vạn Dũng xin từ chức chủ tịch HĐQT của CTC, sang điều hành Công ty CP Dịch vụ Du lịch Gia Lai với vai trò là Chủ tịch HĐQT. Tháng 7-2016, Nguyễn Trần Hanh cũng xin từ chức tổng giám đốc CTC, sang điều hành Công ty CP Dịch vụ Du lịch Gia Lai với vai trò là tổng giám đốc.
Từ ngày 14-7-2016, HĐQT CTC đã bổ nhiệm ông Đặng Thanh Toàn làm tổng giám đốc CTC.
Ngày 27-5-2017, ông Đặng Thanh Toàn có đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Gia Lai đề nghị điều tra, xử lý hành vi của các thành viên trong HĐQT và ban tổng giám đốc trước đây gồm các ông Đinh Vạn Dũng (chủ tịch HĐQT), Nguvễn Trần Hanh (tổng giám đốc), Hoàng Trung Hiếu (phó tổng giám đốc), Nguyễn Hoài Trung (phó tổng giám đốc), Mai Văn Huấn (trưởng Ban Kiểm soát) và Đặng Văn Chính (kế toán trưởng) về việc đã giấu doanh số của Nhà hàng Tre Xanh để trốn thuế với số tiền không kê khai thuế từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2016 là 8,42 tỉ đồng.
Nhà hàng Tre Xanh
Cơ quan công an vào cuộc xác định, khoảng tháng 10-2014, CTC tổ chức cuộc họp lãnh đạo với các thành phần gồm Dũng, Hanh, Chính, Trung, Hiếu. Tại đây, Hanh đã có ý kiến đề xuất cần sử dụng một phần doanh thu của Nhà hàng Tre Xanh để chi cho các khoản chi phí không có hóa đơn. Phần doanh thu này sẽ không được kê khai, không đưa vào báo cáo quyết toán thuế của CTC.
Quá trình điều tra, các bị can Dũng, Hanh, Chính; các kế toán Võ Thị Tú Thùy và Trương Thị Mỹ Hạnh đều thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như trên và đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả toàn bộ số tiền trốn thuế trên. Cơ quan tố tụng xác định, vụ án này có tính chất đồng phạm nhưng chỉ ở mức giản đơn…
Chính vì vậy, VKSND tỉnh Gia Lai đề nghị truy tố ra trước tòa để xét xử các bị can Dũng, Hanh và Chính về tội trốn thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLHS năm 2015; các bị can Thùy và Hạnh bị truy tố về tội trốn thuế theo quy định tại điểm b và d khoản 2 Điều 200 BLHS.
Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã chứng minh được, từ tháng 10-2014 đến tháng 6-2016, việc giấu bớt doanh thu không kê khai thuế nhằm trốn thuế xảy ra tại Nhà hàng Tre Xanh như sau: Tổng doanh thu thực tế bán hàng, cung cấp dịch vụ là 44.115.518.319 đồng, doanh thu đã kê khai thuế là 35.693.749.026 đồng, doanh thu không kê khai thuế là 8.421.769.293 đồng. Kết luận giám định thể hiện, số tiền đã trốn thuế là 1,606 tỉ đồng, trong đó thuế GTGT là hơn 842 triệu đồng, thuế TNDN là gần 764 triệu đồng. |