Bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH: Không nhất thiết ghi đủ quốc hiệu

Thực sự thì mẫu phôi bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phát hành có bị coi là có lỗi hay không khi không có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” phía dưới tên nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”? Mặc dù Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp đều khẳng định “không” nhưng nhiều người vẫn còn thắc mắc về việc này.

Trước đó đã có nhiều loại giấy tờ không ghi dòng chữ quen thuộc nêu trên nhưng nhiều người không để ý. Đơn cử, giấy phép lái xe và giấy đăng ký môtô, xe máy mẫu mới chỉ ghi “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (theo Quyết định 02 ngày 31-1-2008 của Bộ Giao thông Vận tải, Thông tư số 06 ngày 11-3-2009 của Bộ Công an); mẫu hộ chiếu hiện hành cũng có cách ghi tên nước như thế (trên tiếng Việt, ngay dưới là tiếng Anh) v.v...

Giải thích với báo chí về việc ghi không đủ như trên, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng “mẫu bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính nên không phải theo thể thức quy định. Mẫu này được xây dựng trên cơ sở tham khảo bằng tốt nghiệp đại học của một số nước và mẫu giấy tờ mang tính quốc tế của một số bộ, ngành cũng chỉ ghi “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam””. Tương tự, Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng mẫu giấy phép lái xe mới được làm theo mẫu quốc tế…

Bằng tốt nghiệp CĐ, ĐH: Không nhất thiết ghi đủ quốc hiệu ảnh 1

Không chỉ có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, nhiều loại giấy tờ khác cũng không có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Theo Thông tư liên tịch số 55/2005 của Bộ Nội vụ-Văn phòng Chính phủ (về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản) thì các văn bản phải ghi quốc hiệu bao gồm hai dòng chữ: “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Tuy nhiên, bắt buộc này chỉ áp dụng đối với các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính.

Trong khi đó, bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học; giấy phép lái xe; hộ chiếu… không nằm trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chúng cũng không nằm trong danh mục văn bản hành chính theo quy định của Nghị định 110/2004 của Chính phủ (về công tác văn thư). Theo nghị định này thì văn bản hành chính bao gồm: quyết định (cá biệt), chỉ thị (cá biệt), thông cáo, thông báo, chương trình, kế hoạch, phương án, đề án, báo cáo, biên bản, tờ trình, hợp đồng, công văn, công điện, giấy chứng nhận, giấy ủy nhiệm, giấy mời, giấy giới thiệu, giấy nghỉ phép, giấy đi đường, giấy biên nhận hồ sơ, phiếu gửi, phiếu chuyển.

Như vậy, khi không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính thì các loại giấy đó có thể làm theo và cũng có quyền không làm theo thể thức quy định. Nếu trước đây các mẫu cũ có ghi đủ quốc hiệu thì không hẳn là bây giờ và sắp tới cũng phải ghi đủ quốc hiệu. Thay vào đó, các bộ chức năng hoàn toàn có quyền điều chỉnh, thay đổi.

Tiến sĩ LÊ VĂN INchuyên gia hành chính:

Nên thay đổi để phù hợp với hội nhập

Với cách ghi “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, nước mình đã ghi cả chính thể và mục tiêu của chính thể. Trong khi đó, các nước trên thế giới chỉ ghi mỗi chính thể trên tất cả các loại văn bản. Như: Cộng hòa Liên bang Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Ấn Độ… Sở dĩ họ làm như thế vì bản thân chính thể đã hàm ý mục tiêu.

Cá nhân tôi ủng hộ cách thay đổi của Bộ GD&ĐT và cũng mong muốn các cơ quan thẩm quyền sớm xem xét, chỉnh sửa quy định về thể thức văn bản theo hướng chỉ ghi “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đủ.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm