Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đã nói như trên tại buổi Tọa đàm “Báo chí - Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng TP, vì cả nước” trong thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Tọa đàm do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo tổ chức.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM
Giảm bớt tiêu cực, tăng tích cực trên mặt báo
Một vấn đề được bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đặt ra tại buổi tọa đàm là “báo chí phê phán phải thay bằng báo chí giải pháp”.
“Chúng ta phải làm sao giảm đưa những tiêu cực, giảm đưa những loạt bài mà chỉ có tiêu cực, phê phán. Báo chí phê phán phải thay bằng báo chí giải pháp, đưa ra những ý tưởng, sáng tạo và những gương điển hình tiên tiến” - bà Thảo nói và cho rằng hiện nay báo chí đưa quá nhiều tiêu cực. Cần phải giảm bớt các bài tiêu cực trên mặt báo, tăng các bài tích cực để xây dựng phát triển TP.HCM và đất nước.
Đồng tình với quan điểm này của bà Phạm Phương Thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng đưa “báo chí phê phán phải thay bằng báo chí giải pháp” là ý kiến rất hay. Ông nhận xét lâu nay báo chí cũng có giải pháp nhưng chưa nhiều, nay cần phát huy nhiều hơn nữa.
Theo ông Nhân, để đi đến báo chí giải pháp, đòi hỏi phóng viên phải tìm được các nhà khoa học, người dân để trao đổi, như vậy mới đi từ quan sát, phân tích đến khuyến khích thực hiện giải pháp.
Rất thú vị khi đọc loạt bài "Đuối vì họp"
Trao đổi thêm về vai trò của báo chí trong phát triển TP.HCM, bà Phạm Phương Thảo cho rằng TP hiện đang phải giải quyết nhiều vấn đề nóng như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… căng thẳng và áp lực hơn. Những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm; đến công tác phòng chống tiêu cực tham nhũng, đất đai, quản lý quy hoạch. Một số công trình tiến độ chậm như tuyến metro số 1... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Từ đó, bà Thảo cho rằng báo chí phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy. Báo chí phải truyền thông để đưa Nghị quyết 54 của Quốc hội vào cuộc sống, tập trung đưa những mô hình, điển hình làm tốt. Báo chí phải tập trung tuyên truyền thực hiện bảy chương trình đột phá bằng cách tập trung mũi nhn gì, như trong giải quyết nạn kẹt xe thì TP xây dựng các công trình nào để huy động sức dân.
Hay trong chương trình cải cách hành chính, làm thế nào để giảm hội họp... “Tôi rất thú vị khi đọc loạt bài của báo Pháp Luật TP.HCMnói về đuối vì họp. Thời của tôi đã cố gắng giảm họp nhưng họp vẫn còn rất nhiều. Loạt bài của báo đã đưa được những vấn đề cần suy nghĩ. Chín tháng đầu năm 2017 mà Sở TN&MT có tới 3.200 cuộc họp, Sở GTVT có 2.100 cuộc họp, Sở KH&ĐT là 2.000 cuộc... Chúng ta vẫn còn họp rất nhiều, giải pháp sẽ là như thế nào. Muốn giảm họp thì lãnh đạo cấp trên giảm họp thì cấp dưới cũng sẽ giảm họp” - bà Thảo nói.
Trước đó, ngày 20-9-2017, báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loại bài “Đuối vì họp”, phản ánh tình trạng quá tải các cuộc họp ở các cấp chính quyền TP.HCM.
Tại tọa đàm, Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM Dương Thanh Tùng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng của TP phối hợp với các cơ quan báo chí trong tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 54.
Ông cũng đề nghị có giao ban báo chí định kỳ về thực hiện nghị quyết, cập nhật thông tin nhanh, chủ động cung cấp thông tin trên web, là nguồn chất liệu để báo chí chủ động khai thác.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: TÁ LÂM
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định qua các phát biểu thấy rằng báo chí vẫn thấy thiếu thông tin, vẫn thấy chính quyền không hăng hái cung cấp thông tin. Ông nhắc lại chủ trương của TP về thành lập Trung tâm báo chí, gặp gỡ định kỳ để thông tin, trao đổi với báo chí các vấn đề của TP.
Ông cũng cho rằng báo chí viết về Nghị quyết 54 cần sự đầu tư lớn về thời gian, nội dung nhưng người đọc chưa chắc đã tăng. Nên cần có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các cơ quan báo chí tích cực, có nhiều sản phẩm hay tuyên truyền cho Nghị quyết 54, có thể làm định kỳ, thể hiện sự ghi nhận với báo chí TP.