Còn nhớ tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật. Trung ương lúc đó ghi nhận: “Báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng và có những đóng góp tích cực, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Có thể thấy rằng báo chí vừa thể hiện tiếng nói của lòng dân, vừa là bức tranh phản ánh niềm tin của nhân dân. Được tiếp sức từ thực tế xã hội, báo chí vì thế cũng được coi là kênh thông tin quan trọng trong điều hành đất nước.
Các cấp lãnh đạo luôn mong muốn báo chí phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước. Chẳng thế, trong các dịp 21-6, những năm gần đây, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh rằng “báo chí phải phò chính trừ tà”, đây là vai trò, sức chiến đấu của báo chí đã được Bác Hồ nêu bật trong “Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ” năm 1947.
Vì “phò chính” nên trong công cuộc phòng, chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước đẩy mạnh hiện nay, báo chí và nhân dân vẫn luôn hăng hái tham gia. Báo chí đã luôn nỗ lực hết mình để cùng với Đảng, Nhà nước lôi ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực mà thiệt hại của nó không chỉ là hàng ngàn tỉ đồng mà lớn hơn, đó là niềm tin của người dân. Vì như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Mất niềm tin là mất tất cả. Chúng ta muốn khẳng định niềm tin vào đường lối của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhất là trong sự nghiệp đổi mới”.
Báo chí chắc chắn hiểu rằng để đất nước phát triển, để duy trì niềm tin của công dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, tạo sự đồng thuận xã hội… thì điều tối quan trọng là phải cùng Đảng, Nhà nước đập tan những gì cản trở phát triển. Mà chẳng có gì cản trở phát triển hơn bằng tham nhũng, tiêu cực.
Cũng chính Đảng từ lâu đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Vậy cùng với Đảng đấu tranh chống tham nhũng, phanh phui tiêu cực… chính là cách mà báo chí nói rằng mình đang góp phần duy trì niềm tin, tạo đồng thuận xã hội.
Toàn Đảng, toàn dân chắc chắn hiểu rằng: Những điều tốt đẹp đang tồn tại trong xã hội, kể cả khát vọng thịnh vượng, hùng cường của dân tộc sẽ bị triệt tiêu nếu tham nhũng, tiêu cực tiếp tục hoành hành. Diệt trừ được tối đa tham nhũng, tiêu cực thì khi đó những gương người tốt, việc tốt, khát vọng thịnh vượng, hùng cường đương nhiên sẽ trở thành dòng chảy chính, không chỉ trên báo chí.
Và khi đó, “phò chính diệt tà” là một sứ mệnh mà cả dân tộc hoàn thành. Trong đó, báo chí góp phần không nhỏ.