Bao giờ SEA Games mới tiếp cận Asiad và Olympic?

(PLO)- SEA Games có “luật chơi riêng”, đó là sự du di, ưu ái cho chủ nhà nhiều hơn là cái chung cho sự phát triển của thể thao Đông Nam Á nên nhiều người hay gọi là "cái ao làng".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

SEA Games 32 chắc chắn sẽ gắn với bản báo cáo thành tích hào hùng nhất từ trước đến nay của đoàn thể thao Việt Nam với nhiều điểm cộng vì là lần đầu đoàn thể thao Việt Nam bước lên vị trí nhất toàn đoàn khi thi đấu ở quốc gia khác.

Tôi còn nhớ bữa cơm khuya tại Kuala Lumpur, sau đêm bế mạc SEA Games 2001 với ông Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam (VN) Hoàng Vĩnh Giang, khi ông chưa kịp thay bộ trang phục đại diện VN nhận cờ đăng cai SEA Games 22 hai năm tới diễn ra ở VN.

Ông Giang lau vội mồ hôi và kể lại câu chuyện các đoàn thể thao các quốc gia khác trong buổi lễ nhìn ông với ánh mắt thân thiện như muốn gửi gắm hết cho đơn vị đăng cai SEA Games tới. Ông Giang cũng không giấu giếm: “SEA Games này mình đứng thứ tư với 33 HCV trong khi chủ nhà Malaysia đứng nhất với 111 HCV, hai năm nữa mình sẽ nhất toàn đoàn mà không cần phải ăn gian hay nhờ sự can thiệp của trọng tài…”.

Bao giờ SEA Games mới tiếp cận Asiad và Olympic? ảnh 1

Một SEA Games thành công nhất của thể thao Việt Nam. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Đúng là hai năm sau, SEA Games 22 - 2003, thể thao VN đứng đầu khu vực thật. Và đó cũng là câu chuyện rất bình thường ở Đông Nam Á gắn với những kỳ SEA Games. Phần “dao động” thêm môn này, bớt môn kia được ưu ái cho chủ nhà hoặc thêm vào các môn mới được chủ nhà vận động cho 2-3 quốc gia khác cùng tập, cùng tham gia cũng dễ phát sinh những “mỏ vàng”.

Đã có lần tôi đề nghị thẳng với những thành viên chủ chốt trong Ủy ban Olympic VN, vốn là những người có tiếng nói ở Hội đồng Olympic Đông Nam Á về các hoạt động và định hình cho những môn đấu, những “nếp sinh hoạt” ở SEA Games: “SEA Games là đại hội thể thao Đông Nam Á, vậy tại sao Hội đồng Olympic Đông Nam Á không lên tiếng cho việc nâng cấp SEA Games ngày càng gần gũi với Asiad hay cao hơn là Olympic để tránh tiếng là “ao làng”?…”. Các đại diện của Ủy ban Olympic VN trầm ngâm rồi chia sẻ: “Muốn lắm nhưng Đông Nam Á vẫn cứ lệ thuộc đường riêng của Đông Nam Á, cứ phải ưu tiên cho quốc gia đăng cai và cân đối những môn trong hệ thống Olympic với các môn thể thao riêng, truyền thống của những quốc gia đăng cai…”.

Chia sẻ từ những người có liên quan trong Hội đồng Olympic Đông Nam Á thì SEA Games có “luật chơi riêng”, đó là sự du di, ưu ái cho chủ nhà. Ở đây lá phiếu hay sự biểu quyết của các thành viên ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của thể thao của quốc gia mình phụ trách nhiều hơn là cái chung cho sự phát triển của thể thao Đông Nam Á.

Thế nên không khó hiểu khi có SEA Games thì bắn súng là môn Olympic nhưng bị loại, hoặc có SEA Games thì chỉ mỗi nội dung lặn thôi cũng có đến vài chục bộ huy chương. Hoặc cũng có mỗi SEA Games là Đông Nam Á lại có thêm một môn mới được chủ nhà vận động thêm 2-3 quốc gia làm quen và tham gia để cùng “tính huy chương”.

Hãy thử làm một phép tính đơn giản, trong các kỷ lục SEA Games hay những thành tích vượt trội có bao nhiêu tiệm cận với thành tích của châu Á?

Ngay cả việc đối chiếu các thành tích tại SEA Games 32 so sánh với chuẩn A và B Olympic đều không có nội dung nào đạt. Việc kình ngư Huy Hoàng có thành tích 1.500 m tự do đạt chuẩn A Olympic ở SEA Games 31 là hiện tượng cực hiếm, còn tại SEA Games 32 này thì thông số 15’11”24 của Hoàng chưa đủ để đạt chuẩn B.

SEA Games vẫn còn rất xa so với Asiad và càng xa hơn khi ra đấu trường Olympic. Nơi mà Philippines vừa qua đứng đầu Đông Nam Á, hơn cả Indonesia, Thái Lan, Malaysia và VN… Thế nên ngay sau SEA Games 32, ý kiến của nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao VN Nguyễn Hồng Minh: “Thể thao VN không cần đầu tư tốn kém tiền bạc cho SEA Games mà cần hướng đến châu lục và thế giới” là rất đáng để suy nghĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm