Mới đây (ngày 28-3), một nữ công nhân ở Đồng Nai chỉ vì can ngăn một vụ ẩu đả đã bị một thanh niên chém xối xả ngay trước cổng công ty với sự chứng kiến của biết bao người, trong đó cả bảo vệ của đơn vị này.
Trước đó vài hôm, cả xã hội đã đau nhói khi nghe tin chị Bùi Thị Khê, người phụ nữ xấu số ở Bình Thuận bị chồng phóng hỏa đốt chỉ vì chưa trả mấy chục ngàn đồng tiền rượu đã qua đời ở tuổi 27. Chị Khê ra đi bỏ lại hai đứa con thơ bơ vơ trong khoảng đời dằng dặc còn lại.
Trước đó nữa, công luận vô cùng phẫn nộ khi thấy cảnh một người chồng đẩy nguyên bàn ủi nóng vào mặt vợ mình ở
Nghệ An…
Và còn biết bao sự tàn bạo đầy hoang dã như trên đã và đang xảy ra khắp nơi với phụ nữ. Đó đây, ngoài đường, dưới những mái nhà, thậm chí ở những không gian công cộng…, phụ nữ bị truy đuổi, bị truy bức quyền làm người mà thủ phạm phần lớn là người thân và người đối ngẫu của họ. Họ làm sao chống đỡ trước sức mạnh cơ bắp của đàn ông khi sức mạnh ấy được phát đi với gia tốc của sự tàn bạo. Điều đáng nói hơn là nạn bạo hành phụ nữ vẫn cứ diễn ra hằng ngày, hằng giờ khi mà pháp luật về phòng, chống thói nạn phi nhân này được ban hành gần 10 năm nay.
Khi phụ nữ bị bạo hành, sức khỏe thể chất của họ bị suy giảm, tất nhiên rồi. Năng suất lao động theo đó cũng đi xuống và hậu quả là lượng của cải vật chất do một nửa dân tộc, một nửa quốc gia tạo ra giảm đi. Nhưng quan trọng hơn, khi phụ nữ bị bạo hành mà kẻ bạo hành không hoặc chậm được cải huấn, bị trừng phạt, vẫn nhởn nhơ ăn nhậu, thách thức sau khi ra tay tàn nhẫn thì những nạn nhân kia có còn thấy, còn muốn gắn bó với cộng đồng mà họ đang sống?
Bạo hành gia đình còn gây ra bao hệ lụy khủng khiếp khác. Không ít đứa trẻ sẽ học theo sự “hiên ngang” của cha, anh, chú, bác, câu, dượng, những người đàn ông hàng xóm… của mình. Với “hành trang” bẩn thỉu, chết chóc ấy, các em sẽ bạo hành các bạn cùng trang lứa, có thể gây ra những "trận bão" bạo lực học đường với ý nghĩ “đó, những người lớn kia làm những điều đó thoải mái, ngày nào cũng làm, có sao đâu!”.
Nỗi đau ấy càng khủng khiếp hơn đối với những đấng sinh thành. Sinh ra, nuôi, dạy một đứa con gái vất vả biết chừng nào. Thôi thì mắt trũng sâu những ngày con đau ốm, té ngã; thót tim khi lỡ đưa đón con trễ, nào chuyện học hành, thi cử; mừng mừng tủi tủi khi con có được tấm chồng… Để rồi một ngày kia, đứa con mang dòng máu của mình, cái thân xác mình từng ẵm bồng, hôn nựng bị một bàn chân thú vật chà đạp, hành hung không thương tiếc. Ai chịu nổi những cơn đau ấy? Ai?
Đã có rất nhiều phụ nữ phải lặng đi trong nỗi đau đớn; cũng có chị em gào thét trong uất ức, sợ hãi tột độ nhưng tiếng kêu của họ rơi vào tuyệt lộ trước quán tính dửng dưng của hàng xóm, cộng đồng…
Không thể như thế! Cả cộng đồng phải căng tai, phát hiện, vạch mặt, trừng phạt những kẻ bạo hành như khi chúng ta truy quét tội phạm. Trên hết, quyền được bảo toàn thân xác, quyền được yên ổn của phụ nữ phải được Nhà nước bảo vệ toàn vẹn.
Chừng nào chúng ta còn để nạn bạo hành tác oai tác quái thì họ - những nạn nhân của bạo hành, bạo lực - đã và đang chết mòn dù trái tim chưa đứng yên.
Mỗi người chúng ta nên tổ chức mặc niệm - trong lòng mình, một cách thành kính - cho những linh hồn bị chết vì nạn bạo hành. Bởi vì chúng ta còn mắc những nạn nhân ấy một món nợ: trả lại tên CON NGƯỜI viết hoa cho họ.