Tại đây Ban Giám đốc đốc bảo tàng đã đề nghị được tăng giá vé tham quan bảo tàng từ 2.000 đồng lên 30.000 đồng.
Hàng lưu niệm giả cổ trưng bày tại bảo tàng. Ảnh: HÒA BÌNH.
Mức tăng này là mức tăng chung cho cả hai đối tượng khách trong nước và nước ngoài theo chủ trương chỉ bán một giá vé cho du khách trong lẫn ngoài nước. Hiện giá vé vào tham quan bảo tàng dành cho du khách trong nước là 2.000 đồng/vé, giá cho người nước ngoài 15.000 đồng/vé. Đề nghị được tăng giá vé của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã được các đại biểu HĐND TP cơ bản đồng ý nhưng lại đưa ra yêu cầu Bảo tàng phải có những hoạt động, phương án tăng chất lượng tương xứng để thuyết phục việc phê duyệt.
Cổ vật văn hóa Chăm pa. Ảnh: HÒA BÌNH
Tại buổi làm việc việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM đã đặt ra những yêu cầu đối với Bảo tàng Lịch sử TP.HCM như sau: Việc mua các cổ vật quốc gia phải được thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn, không để cổ vật mang tầm quốc gia bị bán ra nước ngoài. Bảo tàng phải có nhiều hoạt động mang tính giáo dục, khơi gợi tinh thần yêu mến, hiểu biết lịch sử văn hóa hơn nữa trước những làn sóng văn hóa ngoại lai du nhập ồ ạt hiện nay làm phai nhạt bản sắc dân tộc ở giới trẻ.
Cổ vật đình chùa Việt. Ảnh: HÒA BÌNH
Bà Nhung cũng cho rằng bảo tàng cần nên có những chuyên đề mang đậm tính văn hóa, lịch sử dân tộc như văn hóa - đời sống người Việt, văn hóa - đời sống người Sài Gòn... Vấn đề đào tạo các hướng dẫn viên phải có giọng nói truyền cảm, sự chuyên nghiệp để truyền cảm hứng đến du khách, làm sống dậy cái hồn của cổ vật cũng bà Nhung yêu cầu, nhắc nhở ban giám đốc bảo tàng.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM hiện bảo tàng chỉ trưng bày được 1 phần 10 hiện vật của mình, các cổ vật sẽ được trưng bày luân phiên, số còn lại được bảo quản trong kho theo đúng quy chuẩn. Trung bình những năm gần đây, mỗi năm bảo tàng đón khoảng 500.000 du khách đến với bảo tàng lẫn phục vụ triển lãm lưu động, khách tham quan Đền Hùng.