Cách đây khá lâu, ở những công viên như Công viên Gia Định, 23-9, 30-4, dọc hai bờ kè đường Trường Sa - Hoàng Sa… đã có khá nhiều các barie bằng sắt. Trong số đó, có nhiều barie được lắp đặt dọc bên ngoài tựa như những hàng rào bảo vệ công viên nên có lẽ vậy mà nhiều người không thấy dị…
Các Khu Quản lý giao thông (Sở GTVT TP.HCM) đều có cách giải thích giống nhau về việc ra đời của các barie nêu trên. Rằng là đang có nhiều xe máy liên tục leo lề, chạy trên vỉa hè của các con đường hay công viên làm mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi bộ. Chưa kể các xe còn làm hư hại nền gạch của vỉa hè…
Không thể phủ nhận nỗ lực của các Khu Quản lý giao thông, trong đó có Khu 1 trong việc tìm cách giữ gìn an toàn giao thông, bảo vệ người đi bộ trên các tuyến đường lớn của TP. Theo đại diện khu này, các barie ấy đã làm giảm được một phần tình trạng xe máy leo lề. Nếu lúc trước chạy rần rần thì gần đây chỉ có một số người cố luồn lách vào các khoảng hở giữa hai barie dành cho xe lăn của người khuyết tật đi qua để chạy lên vỉa hè, bãi cỏ, hoặc bê xe vượt qua barie...
Tuy nhiên, rất đáng báo động là cái được nếu có này lại chứa đựng trong đó việc khu đã làm sai luật! Bởi lẽ như ý kiến phản ánh của nhiều người được UBND quận 1 chuyển tải trong công văn gửi đến Sở GTVT, đó là các barie đặt ngang có nhiều khả năng gây khó khăn cho người đi bộ, đặc biệt là người tàn tật, khiếm thị…, tiềm ẩn nguy cơ vấp ngã, tai nạn. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ đề ra nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; không được phép lắp đặt thiết bị khác gây cản trở người tham gia giao thông… (khoản 1 Điều 4, khoản 2e Điều 35).
Đã, đang và sẽ có nhiều người trưng ra đủ nguyên nhân để chạy xe trên vỉa hè, lề đường, như đường chật, kẹt xe… Trong khi rất nhiều người chạy xe máy khác vẫn kiên trì chờ đợi để được lưu thông đúng luật trên lòng đường, lý gì ai đó lại tự cho mình được làm khác hơn khiến nhiều người khác bị bất tiện, bất lợi?
Một khi vỉa hè, lề đường là của người đi bộ thì người đi bộ phải đương nhiên được phép sử dụng. Vậy tại sao người đi bộ bị ép phải nhượng bộ cho người “cướp” đường của mình, phải chấp nhận đương đầu với nguy hiểm do “bẫy” của barie và còn tiếp tục bị chèn ép bởi các xe máy tiếp tục leo lề mặc kệ những rào cản của các barie?
Ở chiều ngược lại, với cả bộ máy, quyền năng thực thi công vụ, lý gì chính quyền không tổ chức phạt nghiêm những trường hợp vi phạm nói trên? Thay vì phải yêu cầu, cưỡng chế những người không tự nguyện chấp hành, nhất là khi trừng trị cũng chính là cách ngăn chặn rất hiệu quả, chẳng lẽ lực lượng hành pháp muốn công khai thể hiện sự bất lực của mình với các barie đặt trái phép trên hè phố?
Đã xác định là sai phạm thì phải giảm thiểu, loại bỏ. Điều này là hết sức cần thiết đối với hành vi chạy xe máy lên lề và tất nhiên hành vi đặt barie trên vỉa hè cũng không là ngoại lệ.