Theo Nghị định 04/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (đã có hiệu lực từ ngày 10-3), cá nhân có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục bị phạt tiền 2,5-5 triệu đồng. Không chỉ có vậy, người vi phạm còn bị buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm (trừ trường hợp người bị xúc phạm có yêu cầu không xin lỗi công khai).
Vậy là so với quy định cũ (Nghị định 138/2013), vi phạm trên vẫn có nguyên mức phạt tiền (không phải tăng gấp 2 như dự thảo ban đầu) và có thêm biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai.
Nhân việc có Nghị định 04/2021 thì lại lần nữa cần phải thấy cùng trong năm 2013, Chính phủ có đến bốn nghị định để xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm với bốn cách phạt nhẹ, nặng khác nhau tùy thuộc đối tượng bị xúc phạm là thầy, cô giáo hay là người bình thường, làm nghề khác và tùy thuộc vào nơi thực hiện hành vi xúc phạm (ngoài đời hay trên mạng xã hội).
Điều đáng nói thêm là nếu sau tám năm dài quy định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục (và trong lĩnh vực công nghệ thông tin, báo chí) đã được thay thế bằng nghị định mới cho phù hợp hơn thì vẫn đang còn một quy định rất lạc hậu (áp dụng cho nạn nhân là người bình thường) đang bị chậm thay thế gây ra nhiều bất bình trong xã hội.
3 triệu đồng
Là mức phạt mút khung dành cho hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người bình thường được đề ra trong một dự thảo nghị định thay thế Nghị định 167/2013 (dự thảo này được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến vào tháng 9-2019).
Theo đó, người có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt tiền 2-3 triệu đồng (tăng gấp 10 lần so với mức hiện hành). Tương ứng, mức phạt tiền 4-6 triệu đồng nếu người bị xúc phạm là người thi hành công vụ (tăng gấp hai lần so với mức hiện hành).
Mức phạt: Bên cao, bên thấp
Quy định rất lạc hậu nói trên chính là Nghị định 167/2013 (áp dụng trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội…). Theo đó, nếu người bình thường bị cá nhân nào đó có cử chỉ, lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì mức phạt được thực thi là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng (thấp hơn gấp 16 lần so với khi nạn nhân là thầy, cô giáo).
Chính vì căn cứ theo nghị định này mà trong vụ việc sai trái ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị xảy ra vào năm 2018, một người đàn ông dùng sức mạnh ôm hôn và có nhiều hành động khiếm nhã với một nữ đồng nghiệp chỉ bị phạt 200.000 đồng.
Cũng theo Nghị định 167/2013, khi người bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự là người thi hành công vụ thì mức phạt tiền là 2-3 triệu đồng.
Mức phạt có khác hơn nữa trong trường hợp người bị xúc phạm là nhà báo đang tác nghiệp. Cụ thể, theo Nghị định 119/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản), cá nhân có hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí thông qua việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp bị phạt 15-20 triệu đồng và còn bị buộc xin lỗi.
Mức phạt lại khác hơn nữa nếu việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự xảy ra trên mạng xã hội. Đó là theo Nghị định 15/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…), cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” bị phạt 5-10 triệu đồng. Người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm (không bị buộc xin lỗi công khai như khi nạn nhân là thầy, cô giáo hay phải xin lỗi như khi nạn nhân là nhà báo).
Tính ra, ở thời điểm hiện tại, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo đang hoạt động báo chí có mức phạt tiền cao nhất. Ngược lại, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người bình thường (ở ngoài thực tế) bị phạt thấp nhất.
Vì sao phải khác biệt?
Khá dễ dàng nhận ra các quy định phạt khác nhau như nêu trên do ba bộ khác nhau đệ trình. Nghị định 167/2013 của Bộ Công an, Nghị định 15/2020 và 119/2020 của Bộ TT&TT, Nghị định 04/2021 của Bộ GD&ĐT. Thế nhưng, vì sao các nghị định lại có sự phân biệt nạn nhân là người bình thường, người là công nhân, luật sư, nhân viên văn phòng… với giáo viên, nhà báo… để có các mức phạt chênh nhau khá xa thì đang không có câu trả lời chính thức, hợp lý từ Chính phủ.
Lý do gì đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thì buộc phải xin lỗi công khai, còn đối với nhà báo thì không phải xin lỗi công khai? Rồi tại sao đối với những trường hợp xúc phạm khác thì không bị buộc phải xin lỗi hay phải xin lỗi công khai?
Có thể có ý kiến cho là từ truyền thống tôn sư trọng đạo nên giáo viên cần phải được đối xử đặc biệt. Tương tự, vì có chức năng đấu tranh cho sự thật, lẽ công bằng nên nhà báo cũng phải được tôn trọng nhân phẩm ở mức cao. Ý kiến này đúng không hay còn có cách giải thích khác thuyết phục hơn?
Cần lưu ý là nếu tới đây cũng vịn lẽ có nhiều bác sĩ, công an… bị lăng mạ gây bức xúc trong xã hội (như giải thích của Bộ GD&ĐT khi trình dự thảo lần đầu để tăng tiền phạt), các bộ Y tế, Công an… cũng đòi có quy định phạt riêng để bảo vệ nhân phẩm của các nhân sự trong ngành thì người dân chẳng biết đường nào lần.
Chính vì thế, phải thấy là đang quá rối rắm do các khác biệt như nêu trên đang không rõ được dựa trên quy chuẩn pháp lý thống nhất nào. Từ khiếm khuyết này mà nói theo cách nào đó nhân phẩm của người này, người nọ đang có giá cao, thấp khác nhau và tất nhiên đây là điều rất vô lý nên rất khó được chấp nhận.