Một trong những khó khăn của các đội bắt chó thả rông ở Hà Nội hiện nay là đội có nguy cơ phải đền bù vật nuôi có giá trị lớn nếu không may chúng bị chết, bị thương trong lúc bắt giữ, nuôi nhốt…
Trao đổi với Pháp Luật TPHCM ngày 19-4, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho biết việc thành lập các đội bắt chó thả rông trên địa bàn các xã, phường của Hà Nội là một trong những giải pháp để kiểm soát bệnh dại trên đàn chó, mèo, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân trên địa bàn.
Nội dung này được nêu rõ trong Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2030, vừa được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 4-4-2022.
Ông Sơn cho hay, Hà Nội có đàn chó mèo lên tới 460 nghìn con (đạt tỷ lệ tiêm phòng dại hơn 90%). Trong khi TP là đô thị lớn tập trung đông dân cư, do đó nếu để chó, mèo thả rông tràn lan thì thì rất nguy hiểm cho con người vì có thể bị loại vật nuôi này lan truyền virut bệnh dại.
Theo ông Sơn, khi các phường tại 4 quận (Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ) được công nhận vùng an toàn bệnh dại đã thành lập đội bắt chó thả rông thì người dân thủ đô khá ủng hộ. Việc này góp phần hình thành ý thức cho những người nuôi chó phải tuân thủ triệt để việc tiêm phòng vắc xin dại, khi đưa chó ra ngoài đường phải rọ mõm, xích và có người dắt. Hạn chế tình trạng vật nuôi phóng uế bừa bãi ra môi trường…
Chú chó được chủ thả rông ra đường bị bắt nhốt vào lồng, đưa về UBND phường Kim Giang để chờ chủ đến nhận lại sau khi bị nhắc nhở, xử phạt. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
Tuy nhiên ông Sơn cho hay việc thành lập, duy trì các đội chuyên trách bắt chó mèo thả rông tại các xã, phường đang gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, đó là vấn đề kinh phí trả cho lực lượng bắt giữ chó thả rông còn chưa có quy định cụ thể, rất khó để bố trí.
Thứ hai, đây là loại nghề nghiệp khá đặc thù, phải làm việc vào thời gian không cụ thể, gặp nhiều nguy hiểm nếu bị vật nuôi tấn công. Chính vì vậy tìm được những người tâm huyết, có sức khoẻ để tham gia vào các đội chuyên trách bắt chó thả rông rất khó.
Thứ ba, chưa tính được chi phí nuôi dưỡng chó mèo. Hiện nay chó mèo thả rông bị bắt giữ về trong vòng 48 giờ nếu chủ chưa đến nhận thì sẽ chuyển đến trung tâm bảo trợ động vật. Trong thời gian này chính quyền địa phương phải có nơi nuôi nhốt và chăm sóc. Tuy nhiên hiện nay TP chưa xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật để có cơ sở tính chi phí nuôi dưỡng chăm sóc chó, mèo thả rông bị bắt giữ.
“Nhiều hộ dân nuôi chó, mèo có giá trị rất cao, có con giá lên tới vài chục triệu, trăm triệu đồng. Trong thời gian bị bắt giữ nếu vật nuôi xảy bị chết, bị thương… thì đền bù thế nào cũng chưa được tính đến” - ông Sơn nói và cho biết tới đây Chi cục và Sở NN&NT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho TP để tháo gỡ những vướng mắc này.
Ông Sơn cũng cho biết theo kế hoạch phòng chống bệnh dại của TP, Hà Nội sẽ thiết lập các đội chuyên trách bắt chó, mèo thả rông tại 579 xã, phường trên toàn địa bàn.
Hiện nay 4 quận nội thành (Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ) đạt tiêu chí vùng an toàn bệnh dại đã có lực lượng này, đến năm 2025 sẽ triển khai ở 8 quận nội thành, sau đó là một số huyện sắp lên quận (Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng và Đông Anh) và khu vực ngoại thành.
Thành viên các đội bắt chó thả rông được tiêm phòng dại, thường xuyên được tập huấn về nghiệp vụ bắt vật nuôi thả rông, được trang bị dụng cụ hành nghề (vợt bắt chó, lồng nhốt).
“Kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy đội bắt chó thả rông có hoạt động hiệu quả hay không phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền cấp xã bởi họ là người nắm sát tình hình cơ sở nhất. Nơi nào lãnh đạo phường coi trọng thì đội bắt chó thả rông hoạt động tích cực, ý thức phòng chống bệnh dại của chủ vật nuôi nơi đó cũng được tuân thủ tốt hơn” – ông Sơn chia sẻ thêm.