Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi THPT chỉ còn chủ yếu phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp là chính. Tuy nhiên, kết quả có thể được các trường ĐH, CĐ sử dụng để tuyển sinh. Do đó, việc đăng ký dự thi (ĐKDT) cũng sẽ có những điểm mới cần chú ý, đòi hỏi thí sinh (TS) cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Những lưu ý khi đăng ký dự thi
Theo dự thảo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT công bố tuần qua, từ ngày 15 đến 30-6, học sinh (HS) trên cả nước muốn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ nộp hồ sơ ĐKDT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Đối tượng đăng ký bao gồm HS đang học lớp 12, HS chưa tốt nghiệp THPT và HS đã tốt nghiệp những năm trước (TS tự do) nhưng muốn dự thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ.
Hồ sơ ĐKDT sẽ gồm hai phiếu giống nhau. Trong đó, nơi nhận hồ sơ sẽ giữ phiếu số 1, TS sẽ được trả lại phiếu số 2 để làm cơ sở đối chiếu khi cần thiết về sau. Nội dung phiếu ĐKDT có bốn phần chính gồm: Thông tin cá nhân, thông tin ĐKDT, thông tin để xét tốt nghiệp THPT và thông tin để xét tuyển sinh dành cho các TS muốn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH, CĐ.
Theo quy chế thi, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT sẽ phải dự thi bốn bài thi, gồm ba bài thi độc lập là toán, văn, ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp.
Tuy nhiên, điểm mới đáng chú ý nhất của năm nay là hai bài thi tổ hợp, gồm tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và khoa học xã hội (KHXH) có giờ thi trùng nhau. Do đó, TS chỉ được chọn một trong hai bài thi. Nếu HS nào muốn xét tuyển ĐH, CĐ bằng kết quả thi này nên cân nhắc kỹ việc chọn bài thi khi đăng ký.
Một điểm đáng chú ý nữa là ở phần thông tin xét tuyển ĐH, CĐ. Theo quy chế tuyển sinh năm 2020, TS đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) và những NV này được xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống. Khi Bộ GD&ĐT tiến hành lọc ảo, TS chỉ trúng tuyển vào một NV theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống.
Do đó, TS cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ việc chọn bài thi, ngành học, trường học sao cho phù hợp với NV, năng lực và điều kiện của bản thân. Trung bình số NV được các trường ĐH-CĐ lưu ý chỉ nên 4-5 NV là phù hợp, TS cần ghi chính xác mã trường, mã ngành tuyển sinh, mã tổ hợp môn xét tuyển.
Học sinh lớp 12A4 Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận 6 học ca tối môn địa lý. Ảnh: MINH TRẦN
Tỉ lệ TS chọn bài thi KHTN vẫn chiếm ưu thế
Mặc dù hôm nay mới bắt đầu ĐKDT nhưng đa số HS đã có sự lựa chọn bài thi từ trước đó.
Theo ghi nhận, tỉ lệ HS ở các trường THPT đa phần vẫn chọn bài thi KHTN.
Như em Nguyễn Hoàng Huynh, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, cho hay em chọn tổ hợp KHTN và xét tuyển khối B (toán, hóa, sinh) vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
“Dù học phí ngành y năm nay cao nhưng em không điều chỉnh NV. Bởi em đã lựa chọn từ khi vào cấp 3, giờ sắp về đích nên thay đổi sẽ khó cho việc học. Em hy vọng học phí tăng thì cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo cũng được tăng lên” - em Huynh nói.
Ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, cho biết nhà trường xếp lớp theo tổ hợp thi. Do đó, tổ hợp KHTN vẫn được các em chọn nhiều nhất.
Cụ thể, trường có 707 HS khối 12, riêng tổ hợp KHTN có 500 em, còn 207 em chọn tổ hợp KHXH. So với năm ngoái, tỉ lệ lựa chọn tổ hợp KHXH tăng lên. Năm ngoái, HS chọn KHXH khoảng 130 em nhưng năm nay tăng lên 200 em.
Đối với tổ hợp KHTN, chủ yếu các em chọn khối D (toán, văn, Anh), A (toán, lý, hóa) với A1 (toán, lý, Anh) nhiều để xét tuyển vào các ngành kinh tế, ngoại thương, ngân hàng, tài chính, kỹ thuật. Còn chọn thi khối B (toán, hóa, sinh) để xét các ngành y, sinh học, tài nguyên môi trường, công nghệ sinh học khoảng 87 HS.
“Ngay từ năm lớp 10 khi nộp hồ sơ nhập học, nhà trường đã tư vấn cho các em về việc chọn lớp học theo ban A, A1, B, D nên các em đã được làm quen. Hết học kỳ và một năm học, nhà trường sẽ đánh giá năng lực HS để các em điều chỉnh NV. Do đó, đến nay việc các em thay đổi NV cũng khá ít vì đã được tư vấn kỹ” - ông Bình cho hay.
Theo hướng dẫn, TS là HS lớp 12 đang theo học tại các trường THPT sẽ mua và nộp hồ sơ ĐKDT THPT năm 2020 trực tiếp tại trường THPT mà HS đang theo học. TS tự do có thể mua hồ sơ tại các nhà sách lớn trên cả nước hoặc Phòng GD&ĐT và nộp hồ sơ tại các điểm nhận hồ sơ do Sở GD&ĐT quy định. |
Còn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường có 15 lớp 12, có 13 lớp theo tổ hợp KHTN, hai lớp còn lại chọn KHXH.
Trong khi đó, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay hiện có khoảng 60% HS chọn tổ hợp KHTN, còn KHXH chiếm 40%.
Về xu hướng chọn NV ngành học, qua khảo sát tại một số trường ĐH, tỉ lệ TS chọn ngành năm nay không có sự thay đổi nhiều.
Như tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các nhóm ngành thu hút TS vẫn là kinh tế - quản trị như quản trị kinh doanh, marketing, kinh doanh quốc tế. Hay nhóm ngoại ngữ như ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Hàn Quốc vẫn là lựa chọn ưu tiên của nhiều TS.
Đối với nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ, hai ngành công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật ô tô tiếp tục có số lượng xét tuyển đông nhất.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, TS quan tâm nhiều đến các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, du lịch, công nghệ truyền thông, luật kinh tế, tài chính ngân hàng, ngôn ngữ Anh...
Những mốc thời gian quan trọng thí sinh cần lưu ý Từ ngày 15 đến hết 30-6: ĐKDT, nhận phiếu ĐKDT và nhập dữ liệu của TS vào hệ thống quản lý thi. Thông báo công khai những trường hợp TS không đủ điều kiện dự thi được hoàn thành chậm nhất vào ngày 23-7. In và trả giấy báo dự thi cho TS được hoàn thành chậm nhất vào ngày 1-8. Các ngày 9 và 10-8 diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT, đối sánh kết quả thi được hoàn thành chậm nhất vào ngày 26-8. Ngày 27-8: Công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các trường THPT hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp sơ bộ chậm nhất vào ngày 30-8. |