Tối 14-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết đến nay đã có một tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn đã hút hết dầu an toàn.
Đó là tàu Hà Trung 98 được doanh nghiệp hợp đồng trục vớt tàu là Công ty TNHH Trục vớt Bảo Trân (TP Quy Nhơn) hút xong 5.000 lít DO bên trong tàu. Hiện đơn vị trục vớt đang huy động máy móc, phương tiện để tiếp trục trục vớt hàng hóa còn trong tàu Hà Trung 98.
Hút dầu từ tàu Hà Trung 98 bị chìm trên biển Quy Nhơn. Ảnh: TR.L
“Vấn đề cần giải quyết cấp bách nhất hiện nay là xử lý toàn bộ số dầu bên trong tám tàu hàng bị chìm. Theo báo cáo của các chủ tàu thì tất cả hầm dầu bên trong các tài đều đã đóng. Thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Bình Định phối hợp Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung liên tục kiểm tra trên biển và trên bờ đều chưa phát hiện hiện tượng tràn dầu. Tuy nhiên, chúng tôi đang lo là quá trình tác động của sóng biển có thể gây ra sự cố tràn dầu. Do đó, ưu tiên số 1 hiện là hút hết dầu trong tất cả tàu chìm. Sau đó, sẽ trục vớt hàng hóa, rồi mới tính đến trục vớt tàu” - ông Thành nói.
Cũng theo giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, biện pháp ngăn chặn tràn dầu quan trọng nhất là lặn xuống khảo sát thật kỹ các tàu trước khi hút dầu, đồng thời ngăn ngừa ngay từ bên dưới khi đưa các ống dẫn vô hầm để hút dầu.
“Phao vây là dự phòng là để xử lý sự cố. Khi tiến hành hút dầu từ tàu Hà Trung 98, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Trung đã huy động hết lực lượng, tàu chuyên dụng đến ứng phó, cứu hộ. Nếu bên dưới tàu chưa xử lý được, để dầu tràn ra ngoài thì lập tức có biện pháp xử lý ngay. Hiện nay, chúng tôi chưa tính đến phương án dùng hóa chất vì các tàu bị chìm gần bờ, không đảm bảo an toàn” - ông Thành thông tin.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có tổng cộng gần 211.700 lít dầu D.O, 8.000 lít dầu FO trong tám tàu hàng bị chìm, một tàu mắc cạn trên vùng biển Quy Nhơn.
Các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp ứng phó tràn dầu khi hút dầu từ tàu Hà Trung 98. Ảnh: TR.L
Ông Đặng Trung Thành cho biết thêm đến nay cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án hút dầu, thu hàng hóa của tàu Hà Trung 98. Hai tàu đang được chỉnh sửa phương án hút dầu, trục vớt để Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phê duyệt là SB Biển Bắc 16 và Fei Yeu 9. Dự kiến sau khi phương án được phê duyệt, hai tàu này sẽ tiến hành hút dầu, trục vớt hàng. Ngoài ra, còn có bốn tàu khác đã trình phương án hút dầu, trục vớt nhưng chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.
“Cơ quan chức năng sẽ ưu tiên cho trục vớt các tàu có nguy cơ ảnh hưởng luồng của hàng hải. Tuy nhiên, hiện nay việc trục vớt có những khó khăn đối với các chủ tàu như các công ty bảo hiểm chưa phối hợp thường xuyên, chặt chẽ cùng các chủ tàu để thực hiện trục vớt; chưa có nhiều các công ty trục vớt” - ông Thành nói.
Trong diễn biến liên quan, ngày 14-11, đội thợ lặn trên hai tàu cứu nạn SAR 412, SAR 2701 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam tìm thấy ca bin bị gãy của tàu Jupiter trên vùng biển Quy Nhơn. Đây là tàu du lịch, vốn neo đậu tại vùng biển vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) từ năm 2010. Trên đường được tàu FALCON kéo ra Hải Phòng để sửa chữa, tàu Jupiter dừng ngoài phao số 0 luồng cảng Quy Nhơn để tránh bão số 12 thì bị đứt dây kéo, lật sấp. Khi bị nạn, trên tàu có bảy thuyền viên.
Phao vây được triển khai để ngăn ngừa sự cố tràn dầu. Ảnh: TR.L
Từ ngày 8-11 đến nay, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho thợ lặn tìm kiếm thi thể các thuyền viên trên tàu Jupiter chìm, có thể vẫn còn đang mắc kẹt trong khoang tàu.
Theo văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến nay các lực lượng cứu nạn tìm được 11 thi thể trong số 13 thuyền viên mất tích. Tuy nhiên, chỉ mới xác định danh tính tám thuyền viên. Hiện hai tàu SAR 412, SAR 2701 cùng ba tàu, hai ca nô của Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Định vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên mất tích còn lại.