Chốt phương án xây dựng cho 2 dự án ven sông Hàn

Chiều 15-11, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn. Cụ thể là hai dự án bất động sản - bến du thuyền Đà Nẵng do Công ty cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng (thuộc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai) làm chủ đầu tư (CĐT) và dự án Olalani do Công ty cổ phần Mỹ Phúc làm CĐT ở bờ đông sông Hàn, quận Sơn Trà.

Bồi thường 2.000 tỉ đồng nếu không cho xây cao ốc

Đây là lần thứ hai Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội về hai dự án này. Hội nghị đầu tiên vào năm 2019, các ý kiến đều tập trung vào hai yếu tố.

Khu đất xây dựng hai dự án có phần lấn ra sông Hàn. Ảnh: TẤN VIỆT

Thứ nhất, dự án có phần lấn sông có thể ảnh hưởng dòng chảy sông Hàn ngay gần cửa biển. Thứ hai, quy hoạch có nhiều cao ốc có thể gây mất mỹ quan sát bờ sông, tức mắt về thị giác.

Ông Đinh Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay hai dự án trên đã nhiều lần phải điều chỉnh quy hoạch. Gần nhất là năm 2020, UBND TP điều chỉnh theo hướng mở rộng tuyến đường ven sông, tăng diện tích cây xanh, bổ sung bãi đậu xe công cộng. Đồng thời hai dự án không còn các khối nhà cao tầng, chỉ còn biệt thự.

Theo ông Vinh, chiếu theo quy định thì TP phải bỏ ra khoảng 2.000 tỉ đồng để bồi thường cho hai CĐT do dự án bị giảm mật độ xây dựng đơn vị ở, giảm diện tích đất ở mà hai CĐT đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước đó.

Tuy nhiên, ý kiến mới nhất của UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc đề xuất cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch trước đây có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng ra sông Hàn. TP cũng nhận định về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài sẽ không phát huy được lợi thế của dự án ven sông, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP, cho rằng TP cần có phương án đảm bảo vừa không phải bồi thường một khoản tiền quá lớn vừa giữ được mật độ không gian xanh phía sông để phục vụ cộng đồng và đường cảnh quan ven sông.

Để hạn chế mức bồi thường cho CĐT, Đà Nẵng cần cho phép làm cao tầng trong dự án. Theo ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban đô thị - HĐND TP Đà Nẵng, cần có một số công trình cao tầng tại dự án để đối xứng, hài hòa với bờ tây sông Hàn.

Tuy nhiên, cần tính toán khoảng lùi của cao ốc đối với bờ sông. Kèm theo đó, TP cũng phải nghiên cứu tổng thể kiến trúc của cả vệt đất phía sau hai dự án cùng các chung cư nhà ở xã hội 12 tầng hiện hữu nhằm tạo thành một cụm kiến trúc đồng bộ, đẹp mắt.

Cần mời tư vấn quy hoạch lại cao ốc

Tại hội nghị, đại diện hai CĐT chung quan điểm doanh nghiệp đã quá vất vả khi phải nhiều lần điều chỉnh quy hoạch dự án. Hai CĐT mong rằng sau hội nghị này, họ chỉ phải thực hiện thêm một lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng và bắt tay vào xây dựng.

“Việc bỏ hết nhà cao tầng sẽ giảm giá trị dự án, đồng thời Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền lớn để bồi thường và chúng tôi không hề mong muốn điều đó. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý việc giảm nhà cao tầng và sẽ mời tư vấn nước ngoài để thiết kế khối cao tầng xứng tầm theo đúng ý kiến của các ban ngành” - bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nói.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP, nhận định nếu chỉ làm thấp tầng sẽ biến nơi đây thành “khu đô thị ngủ” do sau 22 giờ là đèn tắt hết. Như vậy là không xứng tầm vì sông Hàn chính là “phòng khách” của TP.

“Còn nếu có cả chục tháp cao tầng cùng xuất hiện ở đây thì lại vượt ngưỡng chịu đựng của môi trường. Phương án hài hòa nhất cho tự nhiên - con người - kiến trúc là cho phép làm một số nhà cao tầng có kiến trúc thật đẹp. CĐT nên tổ chức thi hoặc mời kiến trúc sư đẳng cấp thiết kế cho xứng tầm, có thể tạo nên thương hiệu cho TP” - ông Hùng góp ý.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam lưu ý về mặt nguyên tắc khi điều chỉnh quy hoạch hai dự án phải tuân thủ quy hoạch chung TP đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó có công trình hầm qua sông Hàn chạy qua dự án.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng đề nghị đối với dải đất công cộng ven bờ sông Hàn phải liên tục, không ngắt quãng. Khi làm cao tầng và biệt thự phải xem xét về mật độ, chiều cao, khoảng lùi, màu sắc công trình… hạn chế bố trí nhiều cụm nhà cao tầng án ngữ bên sông. Bên cạnh đó, bố trí bãi đậu xe công cộng phù hợp với quy mô dân số.

“Lãnh đạo TP nên ngồi lại với CĐT khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc phát sinh chi phí bồi thường trong bối cảnh khó khăn hiện nay” - ông Thắng nhấn mạnh.•

 

Dư luận Đà Nẵng lo lắng gì?

Điều gây lo lắng nhất đối với dư luận Đà Nẵng là hai dự án này có phần lấn sông Hàn sẽ thu hẹp dòng chảy, nguy cơ gây lũ lụt, sạt lở bờ sông. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nam, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đơn vị đã tính toán trên mô hình tin cậy và kết quả cho thấy hai công trình này ảnh hưởng rất nhỏ. Hiện tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cùng một số tuyến đường khác sẽ trở thành đê chắn nên lũ sông Hàn sẽ càng nhỏ. Lũ sông Hàn sẽ không tràn bờ nữa dù có xảy ra lũ lớn tương tự như các năm 1999, 2007 hay 2009.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm