Hôm qua (23-9) là một ngày vui của ông Nguyễn Khánh Phương, bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà TAND Cấp cao vừa mở phiên xử phúc thẩm. Ông Phương đã được tòa này tuyên chấp nhận kháng cáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của ông trong việc nhận lại ba chiếc xe máy cùng giấy tờ đăng ký xe.
Được số tiền lớn hơn giá trị xe vẫn kháng cáo
Theo hồ sơ, năm 2017, Bùi Thế Tín và Trương Tấn Phát cùng làm dịch vụ cho thuê ô tô tự lái ở TP Cần Thơ và thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) nên quen biết nhau.
Khoảng tháng 5-2018, do cần tiền chi xài cá nhân và trả nợ vay nên Phát bàn bạc với Tín dùng thủ đoạn gian dối làm cho nhiều người tin tưởng để thuê ô tô mang đi thế chấp cho người khác để lấy tiền. Theo đó, các bị cáo đã thuê 16 ô tô các loại và ba xe máy trị giá hơn 8,7 tỉ đồng (trong đó, ba xe máy là do bị cáo Tín thuê).
Ngày 25-5, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Phát 17 năm tù, Tín 20 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa còn buộc các bị cáo bồi thường riêng và liên đới bồi thường số tiền hơn 7 tỉ đồng, do một số xe đã được thu hồi.
Tại phiên tòa này, ông Nguyễn Khánh Phương yêu cầu tòa tuyên trả lại cho ông ba chiếc xe máy mà bị cáo Tín đã chiếm đoạt.
Tuy nhiên, tòa sơ thẩm nhận định ba xe máy này hiện do ba người khác đứng tên chủ sở hữu vào các năm 2016, 2017 và 2018. Ba người này mua lại xe cũ từ người khác và không biết các xe này do phạm tội mà có. Hiện nay ba người này đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe theo quy định của pháp luật nên yêu cầu thu hồi trả lại xe của ông Phương là không có căn cứ chấp nhận.
Ông Nguyễn Khánh Phương sau khi nghe tòa tuyên trả lại ba chiếc xe máy. Ảnh: NHẪN NAM
Theo tòa này, tổng trị giá ba xe máy nêu trên được định giá là 84 triệu đồng. Bị cáo Tín đã đồng ý bồi thường tổng số tiền 170 triệu đồng (số tiền này theo giá trị ba chiếc xe mà ông Phương đã khai) là có lợi cho ông Phương. Từ đó, tòa cho rằng có căn cứ chấp nhận buộc bị cáo Tín bồi thường số tiền này cho ông Phương.
Dù được tuyên trả số tiền nhiều hơn giá trị hiện tại của ba chiếc xe nhưng ông Phương không đồng tình. Vì vậy, ông đã kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên trả lại cho ông ba chiếc xe máy mà bị cáo đã lừa thuê của ông rồi mang đi cầm.
Tòa phúc thẩm tuyên trả lại xe cho bị hại
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm qua (23-9), đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của ông Phương. Theo VKS, cơ quan chức năng cấp lại giấy đăng ký xe cho ba người liên quan là sai quy định. Viện đề nghị tòa tuyên thu hồi ba chiếc xe trả lại cho bị hại và tuyên hủy ba giấy đăng ký xe đã cấp cho ba người liên quan.
HĐXX TAND Cấp cao tại TP.HCM nhận định: Ba người liên quan đã được cấp giấy đăng ký ba chiếc xe máy của bị hại và không biết đây là tài sản do người khác phạm tội mà có nên cơ quan tố tụng không truy cứu hình sự những người này. Tuy nhiên, đây là vật chứng của vụ án, cơ quan chức năng không thu hồi và chấp nhận đăng ký mới cho ba người liên quan là không có cơ sở. Do vậy, tòa cho rằng cần thu hồi ba chiếc xe này trả lại cho bị hại.
Từ đó, tòa tuyên chấp nhận kháng cáo của ông Phương, tuyên sửa án sơ thẩm về phần xử lý vật chứng. Theo đó, tòa tuyên trả lại cho ông Phương ba giấy đăng ký xe máy mà ông này đã giao nộp, thu hồi ba chiếc xe trả cho ông. Ngoài ra, tòa cũng giành quyền khởi kiện dân sự cho ba người liên quan nếu họ có yêu cầu, đồng thời tuyên hủy ba giấy đăng ký xe của ba người liên quan.
Sau khi nghe phán quyết của tòa phúc thẩm, ông Phương tỏ ra rất vui mừng và nói: “Tôi cảm thấy rất tin tưởng vào pháp luật!”. Liền đó, ông Phương gọi điện thoại cho vợ và nhiều người thân để báo tin vui này.
Trả lại tài sản cho chủ sở hữu Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. (Điều 48 BLHS 2015) Xử lý vật chứng 1. Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do chánh án tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. (…) 3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 điều này có quyền: b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án… (Trích Điều 106 BLTTHS 2015) |