Đòi lại xe máy khi bị mang đi cầm đồ

Hỏi: Tôi xin trình bày sự việc như sau: Con tôi có một chiếc xe máy trị giá khoảng 40 triệu đồng, bị bạn mượn và đem đến hiệu cầm đồ. Nhiều lần tôi và con tôi đến nhà bạn của cháu để lấy lại xe nhưng bố của bạn cháu chỉ hứa. Cho đến nay vẫn chưa lấy được xe. Xin hỏi thủ tục khởi kiện như thế nào?

Trả lời tư vấn:


Thứ nhất việc con trai bạn cho bạn mượn xe đã xác lập nên hợp đồng mượn tài sản. Luật dân sự 2005 (từ Điều 512 đến 517)

Theo đó, nghĩa vụ của bên mượn tài sản là phải trả lại tài sản đúng thời hạn; nếu không có sự thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được đồng thời phải bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.

Bên cho mượn tài sản được quyền đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn mà không có sự đồng ý của  bên cho mượn, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra.

Như vậy, con trai chị có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại về tài sản.

Thứ hai thủ tục khởi kiện

Để có đủ căn cứ cho tòa án thụ lý đơn thì bạn cần có các giấy tờ chứng minh đi kèm với đơn khởi kiện

Sổ hộ khẩu, CMND (bản sao).

Giấy đăng ký xe: Bạn đến cơ quan đã đăng ký xe trước đây xin cấp lại giấy tờ chứng minh đó là xe của bạn.

Các giấy tờ tài liệu khác liên quan: biên lai cầm cố xe (tên cửa hàng cầm cố, thời gian cầm cố, người mang xe đi cầm cố…)

Nội dung đơn khởi kiện được quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011  như sau:

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

2. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

d) Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

đ) Tên, địa chỉ của người bị kiện;

e) Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

g) Những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

3. Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng.

Hình thức nộp đơn:

- Nộp trực tiếp tại tòa án;

- Gửi đến tòa án qua bưu điện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm