Những ngày này, các trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đồng loạt công bố kết quả trúng tuyển sớm ở nhiều phương thức. Trong đó, phương thức xét điểm đánh giá năng lực (ĐGNL) gây chú ý khi có mức điểm chênh lệch rõ rệt theo xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh (TS).
Điểm chuẩn giảm nhưng vẫn cao ở ngành hot
Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm nay trường dự kiến tuyển 2.400 chỉ tiêu ĐH, trong đó khoảng 50% dành cho xét điểm thi ĐGNL.
Hơn 101.000 là số TS dự thi ĐGNL để xét tuyển vào hơn 90 trường ĐH-CĐ nhưng chỉ có 1/3 số TS nói trên đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin điện tử của ĐH Quốc gia TP.HCM với hơn 190.000 nguyện vọng.
Tuy nhiên, trường nhận được 12.164 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 25.982 nguyện vọng bằng điểm của hai đợt thi ĐGNL. Theo ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, số lượng TS đăng ký xét tuyển giảm mạnh so với năm trước cũng như so với các phương thức sớm khác. Bởi năm 2022, trường có hơn 29.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 55.889 nguyện vọng.
Kết quả, điểm trúng tuyển ở phương thức này giảm nhẹ nhưng những TS trúng tuyển đều thuộc tốp 30% em có điểm cao nhất tại kỳ thi này.
Trong đó, TS có điểm trúng tuyển cao nhất là em Nguyễn Lê Mỹ An (Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương) với 1.091 điểm ở ngành kinh tế học.
Cụ thể, điểm trung bình trúng tuyển năm 2023 là 849 điểm, ngành đào tạo có điểm chuẩn đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất là kinh doanh quốc tế với 894 điểm và không có chương trình học nào có điểm trên 900. Trong khi đó, năm 2022 trường có đến bốn chương trình có điểm trên 900, ngành có điểm cao nhất là kinh doanh quốc tế với 928 điểm.
Tương tự, năm nay Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dành 10% trong hơn 8.000 chỉ tiêu để xét tuyển điểm ĐGNL đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Kết quả, theo công bố của hội đồng tuyển sinh trường, điểm trúng tuyển vào 51 ngành ở các cơ sở chính tại TP.HCM vẫn rất cao, nhất là những ngành hot, thậm chí có những ngành cao hơn hẳn năm trước.
Thí sinh tìm hiểu và đăng ký xét tuyển ở Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: NTCC |
Cụ thể, điểm chuẩn dao động 800-985, theo thang điểm 1.200. Đặc biệt, có đến 14 ngành có điểm trên 900, trong đó cao nhất là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 985 điểm, thương mại điện tử 940 điểm, khoa học dữ liệu 935 điểm, marketing 930 điểm…
Theo đánh giá của hội đồng tuyển sinh trường, điểm trúng tuyển nhiều ngành cao cho thấy xu hướng chọn ngành, chọn nghề của thế hệ trẻ hiện nay ở cả lĩnh vực nền tảng kinh tế lẫn công nghệ gắn liền với quốc tế hóa. Như tài chính quốc tế, tiếng Anh thương mại, luật kinh doanh quốc tế, khoa học dữ liệu, công nghệ marketing, công nghệ logistics, kinh doanh số, kỹ sư robot và trí tuệ nhân tạo…
Còn tại Học viện Hàng không Việt Nam, điểm chuẩn trúng tuyển của 12 ngành học ở phương thức xét điểm ĐGNL dao động 600-850 điểm. Trong đó, hai ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là kỹ thuật hàng không và quản lý hoạt động bay.
Hàng loạt ngành học điểm chuẩn chỉ từ 500 điểm
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay tổng kỳ thi ĐGNL có hơn 101.000 TS dự thi để xét tuyển vào hơn 90 trường ĐH-CĐ, tăng hơn năm trước khoảng 8.000 em.
Cả hai đợt thi có gần 60.000 em đạt điểm thi trên 600, theo thang điểm 1.200. Trong đó, 11.332 em có điểm thi trên 800, 248 em có điểm thi trên 1.000. Thế nhưng chỉ khoảng 1/3 số TS dự thi đăng ký xét tuyển trên cổng thông tin điện tử của ĐH Quốc gia TP.HCM với hơn 190.000 nguyện vọng, trong khi năm 2022 có đến gần 93.000 TS đăng ký xét tuyển với 380.000 nguyện vọng.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, mặc dù số TS đăng ký giảm nhưng hầu hết các em có điểm cao từ 700 trở lên đều đã đăng ký. Điều này cho thấy các em có sự cân nhắc, tính toán chọn ngành, chọn trường sát điểm thi hơn năm trước. Vì vậy, Tiến sĩ Chính cho rằng chất lượng kết quả xét tuyển năm nay sẽ khó giảm, thậm chí TS phải đạt điểm thực sự cao mới vào được những ngành hot. Ngược lại, nhiều ngành học kén sự quan tâm như khối khoa học cơ bản vẫn khó tuyển vì ít TS đăng ký.
Và thực tế năm nay, ở nhiều trường, nhất là khối ngoài công lập, kết quả trúng tuyển sớm cũng thể hiện rõ sự quan tâm của TS khi chọn ngành, chọn trường ở phương thức này. Bên cạnh một số ngành có điểm chuẩn cao, hàng loạt ngành có mức điểm rất thấp mà vẫn khó tuyển sinh.
Đơn cử như Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM năm nay dự kiến tuyển 2.000 chỉ tiêu cho 11 ngành học, theo ba phương thức. Thế nhưng, theo công bố của trường mới đây, điểm chuẩn theo kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1 ở các ngành đào tạo là 500 điểm. Đáng nói, đây cũng là điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường.
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tương tự, trừ nhóm ngành sức khỏe, ở đợt 1, đa số ngành đào tạo có điểm sơ tuyển ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM từ 550 điểm.
Trường ĐH Nha Trang cũng có điểm chuẩn 500-675, tùy ngành học.
Điều kiện để được công nhận trúng tuyển chính thức
Ngay sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm, các trường ĐH đều lưu ý rằng TS chỉ mới được công nhận đã đạt mức điểm trúng tuyển sớm chứ chưa được công nhận chính thức nên chưa có giấy báo trúng tuyển.
TS chỉ được công nhận trúng tuyển chính thức khi thỏa các điều kiện: Đã tốt nghiệp THPT; TS có thực hiện đăng ký xét nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT từ ngày 10-7 đến 17 giờ ngày 30-7, thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của bộ (như thanh toán lệ phí, sắp xếp nguyện vọng…). TS nằm trong danh sách đủ điều kiện trúng tuyển và muốn nhập học ở ngành nào, phương thức nào thì đăng ký ngành đó, phương thức đó là “nguyện vọng 1” trên cổng đăng ký; sau quá trình lọc ảo, TS được hệ thống trả về kết quả đã trúng tuyển để thực hiện xác nhận nhập học online.